Ảnh minh họa
Tiến hành kiểm toán chuyên đề việc thực hiện cơ chế tự chủ giai đoạn 2016 – 2018 tại 22 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thuộc 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết quá trình thực hiện cơ chế tự chủ đã bộc lộ nhiều bất cập.
Phân cấp quyền tự chủ tổ chức bộ máy còn chậm
Cụ thể, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập, việc phân cấp quyền tự chủ tổ chức bộ máy cho các bệnh viện còn chậm, trong giai đoạn 2016 - 2018 hầu hết các bệnh viện chưa được quyền chủ động trong công tác tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức. Các bệnh viện cũng chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời bất cập tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007.
Tại hầu hết các bệnh viện thuộc Bộ Y tế cũng như tại một số địa phương được kiểm toán đều không đáp ứng được định mức biên chế tối thiểu theo quy định tại Thông tư liên tịch 08 (về cả hai tiêu chí là tỷ lệ biên chế/giường bệnh và tỷ lệ bác sỹ/điều dưỡng).
“Nếu để đảm bảo hai chỉ tiêu này theo quy định tại Thông tư liên tịch 08 thì bệnh viện phải tuyển dụng thêm nhân sự khối phục vụ là cán bộ điều dưỡng. Đây cũng là bất cập khi thực hiện cơ chế tự chủ với mục tiêu là ổn định mức thu và tiết kiệm chi”, Báo cáo Kiểm toán nêu.
Cũng theo KTNN, Bộ Y tế chưa ban hành được tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo từng lĩnh vực chuyên môn y tế, chưa có hướng dẫn về chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn chuyên môn và chưa có cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng của cơ sở y tế, chất lượng của một số dịch vụ y tế cơ bản. Trong khi NSNN cấp cho một số bệnh viện tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động chưa phù hợp.
KTNN căn cứ vào số thu, chi thực tế của các bệnh viện giai đoạn 2016-2018 và xác định mức độ tự chủ theo khoản 2 Mục II Thông tư số 71/2006/TT-BTC. Theo đó, tại 11 đơn vị được kiểm toán tổng hợp, 3 đơn vị kiểm toán chi tiết của Bộ Y tế thì số chênh lệch lên đến 696,3 tỷ đồng (nếu chưa tính nguồn cải cách tiền lương) và 605,1 tỷ đồng (nếu tính cả nguồn cải cách tiền lương).
Riêng đối với các bệnh viện của các tỉnh như tại Bình Phước, KTNN cho biết, nguồn thu sự nghiệp của bệnh viện vẫn chưa đảm bảo được hoạt động thường xuyên, song lại cao hơn so với mức giao tự chủ của UBND tỉnh. Còn tại Đắk Nông, Bến Tre giao mức tự chủ còn thấp so với kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2018.
Còn hiện tượng thu vượt, thu sai
Đáng lưu ý, KTNN cho biết, việc cấp kinh phí thường xuyên cho một số bệnh viện có mức độ tự chủ lớn hơn 100%. Cụ thể, Bộ Y tế có 2 đơn vị; Bắc Ninh có 4/4 bệnh viện được kiểm toán với số tiền 23,7 tỷ đồng; Vĩnh Phúc: 3/5 bệnh viện, số tiền 77,3 tỷ đồng và 8/9 trung tâm y tế tuyến huyện, khối khám chữa bệnh số tiền 43,4 tỷ đồng; Bình Dương: 2 bệnh viện; Đồng Nai: 2 đơn vị, số tiền 60,8 tỷ đồng; Phú Yên: 2 bệnh viện, số tiền 46,2 tỷ đồng. Riêng đối với TP Hà Nội trong năm 2016 có 7 bệnh viện với số tiền 133,9 tỷ đồng; năm 2017: 11 bệnh viện, số tiền 184,1 tỷ đồng; năm 2018: 4 bệnh viện, số tiền 37,4 tỷ đồng; thành phố Hồ Chí Minh: 19 bệnh viện, số tiền 1.170,1 tỷ đồng; Đắk Lắk: 3 bệnh viện, số tiền 148,7 tỷ đồng...
Trong khi đó, việc xây dựng, phê duyệt danh mục, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ y tế trong giai đoạn 2016-2018 còn chậm, chưa đầy đủ.
Cụ thể, trong tổng số hơn 18.239 danh mục dịch vụ kỹ thuật chỉ có 9.166 giá dịch vụ y tế (trong đó 8.538 dịch vụ được phiên tương đương theo giá 1.901 giá được Bộ Y tế ban hành tại Thông tư số 37/2015/TT-BYT) thì chỉ có khoảng 947 dịch vụ được xây dựng dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật, hơn 4.000 danh mục dịch vụ kỹ thuật chưa được xây dựng giá và trên 11.000 dịch vụ không có quy trình kỹ thuật.
Cũng theo báo cáo của KTNN, nhiều bệnh viện còn hiện tượng thu vượt, thu sai (thu các khoản đã có trong cơ cấu giá), thu các khoản chưa có trong cơ cấu giá, không có trong danh mục giá dịch vụ khám, chữa bệnh...
KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách đã nêu trong từng báo cáo kiểm toán của KTNN thực hiện trong năm 2019; chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2019.
Theo KTNN, đối với dự toán chi đầu tư phát triển trong năm 2018 của Bộ Y tế được Quốc hội quyết định là 399.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước 339.434 tỷ đồng, vốn ngoài nước 60.266 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bố trí vốn khởi công mới cho Bộ Y tế và hai địa phương không đảm bảo điều kiện thu hồi ứng trước tối thiểu 20% số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương dự kiến thu hồi giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Bộ Y tế dư ứng 3.293,9 tỷ đồng, năm 2018 không bố trí thu hồi vốn ứng trước, trong khi bố trí vốn cho 14 dự án khởi công mới.
|
Phạm Diệu