Theo báo cáo tình hình quản lý Nhà nước về đất đai vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, cả nước hiện có 33.123.078 ha đất, trong đó 31.010.279 ha đã được sử dụng vào các mục đích, chiếm 93,62% tổng diện tích tự nhiên.
Sử dụng số liệu thống kê đất đai năm 2016, báo cáo nêu, diện tích đất đã được giao cho các đối tượng sử dụng là 26.851.354 ha, chiếm 81,07% tổng diện tích các loại đất.
Các tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng 46.140 ha chiếm 0,17% tổng diện tích của cả nước và chiếm 0,17% tổng diện tích đất của các đối tượng sử dụng.
Cả nước hiện có 33.123.078 ha đất, trong đó 31.010.279 ha đã được sử dụng vào các mục đích. (Ảnh minh hoạ)
Chính phủ đánh giá, việc áp dụng quy định về các điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã bước đầu sàng lọc được các nhà đầu tư kém năng lực. Hạn chế đáng kể việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan, sử dụng kém hiệu quả và để hoang hóa so với trước đây.
Trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, Chính phủ nhận định đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều "điểm nóng", nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được giải quyết.
Kết quả, đã xử phạt vi phạm hành chính 541 tổ chức, cá nhân sử dụng đất với tổng số tiền 21.657 triệu đồng, truy thu, thu hồi nộp ngân sách 1.005,485 triệu đồng của 55 tổ chức. Kiến nghị thu hồi 16.755 ha đất của 250 tổ chức, thu hồi 228 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 18 tổ chức.
Bên cạnh kết quả, báo cáo của Chính phủ cũng nêu không ít hạn chế, nhất là trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai.
Chính phủ cho rằng, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, không đồng bộ giữa pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan, như Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Xây dựng, Nhà ở, Công chứng,…, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định của pháp luật, dẫn tới chưa khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hạn chế nữa là việc thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai rất khó khăn, nhất là các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng.
Chính phủ đánh giá, chính sách tài chính về đất đai còn có những điểm bất cập, nhất là việc điều tiết nguồn lợi thu được từ đất đai để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và doanh nghiệp.
Theo Đình Khang/ Gia đình & Pháp luật