Lễ hội Áo dài với chủ đề “Hương sắc Tràng An” do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: Nhật Nam
Tiềm năng phong phú
Kinh tế đô thị gồm một số ngành phi nông nghiệp, có đặc trưng cơ bản là tập trung về địa lý, tiến bộ về công nghệ, chuyên môn hóa hệ thống tổ chức và hiệu quả kinh doanh cao. Chúng không chỉ phân bố ở các ngành sản xuất vật chất mà còn gồm dịch vụ, du lịch, môi trường, thương mại...
Như vậy, kinh tế đô thị chỉ ra đời trong một đô thị lớn, có đủ những đặc điểm riêng, thế mạnh và sức hấp dẫn về dung lượng thị trường bên cạnh giá trị truyền thống, văn hóa phong phú. Hà Nội là một thành phố có thể đáp ứng tất cả những yêu cầu trên, đủ làm “bệ phóng” cho các hoạt động kinh tế đô thị.
Trên thực tế, một số ngành kinh tế đô thị đã phát triển tại Hà Nội đáp ứng nhu cầu dịch vụ tiêu dùng của người dân, nhưng còn chưa tập trung, rõ nét. Trong khi đó, với nguồn lực dịch vụ, hoạt động thương mại đa dạng, đặc sắc; những nét kiến trúc, cảnh quan, đặc điểm văn hóa, lối sống và cả thương hiệu “Thăng Long” 1010 năm tuổi, Hà Nội có tiềm năng phong phú để phát triển nhanh kinh tế đô thị.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân Vũ Hà Thanh, hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng xe điện chuyên dùng tham quan là một ví dụ của việc hình thành sản phẩm kinh tế đô thị dựa trên giá trị không gian đô thị, văn hóa, kiến trúc cảnh quan của Hà Nội. Sau gần 10 năm, Công ty cổ phần Đồng Xuân đã ký hợp đồng với hơn 100 công ty du lịch lữ hành và phục vụ trên 5 triệu lượt khách, trong đó 70% là người nước ngoài. Khảo sát của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, khoảng 67% người được hỏi xác nhận muốn sử dụng xe điện để tham quan Hà Nội…
Khu vực phố cổ thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm còn được yêu thích bởi hoạt động bán hàng đêm tại các phố đi bộ vào dịp cuối tuần. Người ta đến đây không hẳn chỉ để mua - bán, mà còn là giao lưu, được sống trong không khí sôi động, tìm hiểu nét phồn hoa phố thị của đất kinh đô. Các hoạt động dịch vụ nơi đây gắn liền, thúc đẩy, hỗ trợ nhau để tạo thành chuỗi giá trị mang tính đồng bộ, liên hoàn.
Không chỉ vậy, hoạt động tài chính - ngân hàng của Thủ đô - một ngành quan trọng trong kinh tế đô thị cũng có điều kiện phát triển mạnh, gắn liền với sức tăng trưởng kinh tế nhanh hàng đầu cả nước. Với hơn 200 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hàng vạn văn phòng đại diện, đơn vị kinh doanh..., Hà Nội là đô thị có nhu cầu trao đổi, chuyển và thanh toán tiền liên tục, với giá trị không nhỏ. Đó chính là “mảnh đất màu mỡ” để phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng chất lượng cao.
Nhờ mức thu nhập bình quân cao hơn hẳn địa phương khác, Hà Nội cũng là “mỏ vàng” cho hoạt động thương mại phát triển, với doanh số bán hàng tăng liên tục qua các năm. Rất nhiều nhu cầu, dịch vụ xã hội đã được thỏa mãn bởi những nhà cung cấp chuyên nghiệp. Thời gian qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành kinh tế, hoạt động thương mại đã bảo đảm cung ứng hàng hóa, đồng thời đóng góp đáng kể cho việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 3.045 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2019, trong đó thương mại đạt 2.394 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% cho thấy khả năng đóng góp to lớn của lĩnh vực này.
Dịch vụ viễn thông, y tế hay giáo dục cũng là “đặc sản” của Thủ đô, trên cơ sở phát huy trí tuệ, nguồn lực chất xám đông đảo nhất cả nước. Đây là lợi thế nổi bật của Hà Nội, hướng tới phát triển dịch vụ chất lượng cao, mang lại nguồn thu lớn...
Huy động mọi nguồn lực để phát triển
Trên thực tế, thành phố đã đề cập đến phát triển kinh tế đô thị trong văn kiện Đại hội lần thứ XV và XVI. Một số ngành, lĩnh vực kinh tế đô thị, như du lịch, thương mại, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, dịch vụ công… đã được xác định tập trung ưu tiên phát triển.
Tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, khái niệm kinh tế đô thị đã được xác định rõ hơn, bằng một chương trình riêng, đó là Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”. Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề phát triển kinh tế đô thị đã được nhận diện đầy đủ và toàn diện hơn. Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, phát triển kinh tế đô thị trên cơ sở đặc thù của Thủ đô là hợp lý; đặc biệt phù hợp khi cơ cấu kinh tế Thủ đô là dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp.
Còn theo ông Lê Huy Khôi, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), Hà Nội nên nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp cũng như huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế đô thị, gắn liền với việc xác định vai trò từng lĩnh vực, có sự kết nối giữa các loại hình dịch vụ. Tất cả để nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm thương mại, dịch vụ của cả nước cũng như khu vực; từ đó kinh tế đô thị là động lực mới để Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Song, để kinh tế đô thị phát triển như mục tiêu đề ra cũng là chặng đường dài khó khăn, đòi hỏi nhà quản lý phải có cơ chế, chính sách phù hợp; nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thiện quy hoạch đô thị. Mục tiêu Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra là đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đạt 8.300-8.500 USD/người.
Muốn đạt được mục tiêu này, Hà Nội phải phấn đấu trở thành trung tâm lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á; phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ, chú trọng thương mại điện tử, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại. Hà Nội cũng cần khai thác tối đa lợi thế địa kinh tế thông qua phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại; thu hút đầu tư hình thành trung tâm tài chính - thương mại quốc tế, trung tâm giáo dục - đào tạo hay y tế chất lượng cao… Sẽ có rất nhiều cơ hội để các ngành kinh tế đô thị phát triển khi có định hướng đúng, môi trường thuận lợi.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Vũ Hà Thanh cho biết, Công ty cổ phần Đồng Xuân đề xuất thành phố cho phép khai thác tuyến xe điện du lịch, xuất phát từ chợ Đồng Xuân, đi quanh hồ Hoàn Kiếm, một số tuyến phố cổ đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám rồi thẳng lên Ba Đình và khu vực hồ Tây. Tuyến đường nối hai hồ giàu giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội sẽ có dịp khoe bản sắc. Hiểu đơn giản, kinh tế đô thị đang đứng trước thời cơ phát triển mạnh mẽ, phản chiếu sức hấp dẫn, tính năng động và bản sắc văn hóa của Hà Nội.
Hồng Sơn - Theo Hà Nội mới