Ngày tựu trường của thầy trò trên non cao. (Ảnh minh họa).
Thông tư này dự kiến thay thế Thông tư 08/TT ban hành từ năm 1988, sau 32 năm. Theo dự thảo quy định mới của Bộ GD-ĐT, học sinh đánh nhau, vi phạm kỷ luật có thể không bị “đuổi học” mà sẽ “tạm dừng học tập trên lớp”… Và thầy cô cũng đã tới lúc cần thay đổi…
Học sinh sẽ không bị phê bình trước trường, lớp
Theo đó, thay vì phê bình học sinh trước lớp, trước trường khi mắc lỗi, dự thảo thông tư mới yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là “kỷ luật tích cực” với từng học sinh.
Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp dưới đây để giáo dục kỷ luật hoạt động phù hợp với từng học sinh như khuyên bảo, động viên, nhắc nhở riêng tư đối với học sinh khuyết điểm. Có thể phối hợp với cha mẹ hoặc người giám sát hợp pháp học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm hay tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh khuyết điểm đang gặp khó khăn trong tâm lý.
Trong một số trường hợp, giáo viên có thể yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường như hoàn thành bài thiếu sót, viết lại bài cần học thuộc, viết lại quy ước của lớp học, nội quy, quy định của nhà trường và các quy định khác của pháp luật liên quan đến khuyết điểm của học sinh.
Viết cảm nhận, kiểm điểm về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng dẫn sửa chữa. Sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân.
Thực hiện nhiệm vụ lao động phù hợp, vừa sức như: Trực nhật, vệ sinh lớp học, trường học, dọn dẹp thư viện, trồng hoặc thiết lập cây xanh trong trường. Tham gia hỗ trợ hoạt động, giúp đỡ học sinh khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn để cùng tiến bộ.
“Tạm dừng trên lớp”, thay thế cho “đuổi học”
Cũng theo quy định mới, mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường là “tạm dừng học tập trên lớp”, thay thế cho “đuổi học” trong quy định hiện hành.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.
Việc “tạm dừng học tập” áp dụng đối với những trường hợp học sinh đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng không sửa chữa, tái phạm hoặc vi phạm thêm những khuyết điểm khác trong khoảng thời gian 1 học kỳ.
Những học sinh vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như: Đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác của nhà trường hoặc có những hành vi vi phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa đến mức bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật cũng phải chịu mức kỷ luật này.
Hết thời hạn tạm dừng học tập trên lớp, học sinh phải giải trình về kết quả rèn luyện của bản thân trong thời gian bị kỷ luật và đề xuất kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện của bản thân trong thời gian tới, có xác nhận và cam kết của gia đình học sinh. Hiệu trưởng nhà trường xem xét và quyết định cho học sinh tiếp tục học tập trên lớp.
Trong trường hợp học sinh chưa có biểu hiện tiến bộ, không thực hiện đầy đủ các biện pháp giáo dục của nhà trường và gia đình, thì hiệu trưởng nhà trường họp hội đồng kỷ luật để xem xét, tiếp tục áp dụng hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp lần tiếp theo.
Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ GD-ĐT đăng tải xin ý kiến góp ý của dư luận đến hết ngày 31/10/2020.
Thành công của thầy cô, không phải là học sinh “sợ”!
Trước thềm năm học mới, trên Diễn đàn Quan tâm tới Giáo dục, một cô giáo đã chia sẻ về nghề, về sự thành công của một người thầy: Thông thường trong nền giáo dục truyền thống người ta sẽ dựa vào những thành tích mà người giáo viên ấy đạt được trong những lần dạy và dẫn dắt học sinh đi thi học sinh giỏi, trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, hay chỉ đơn thuần trong việc quản lý học sinh lớp mình chủ nhiệm, nếu một kỳ, một năm lớp không xảy ra chuyện gì, luôn đứng đầu trong thi đua toàn trường…
Với tôi, một giáo viên bộ môn tốt là người luôn tôn trọng, khuyến khích và biết cách khơi dạy tư duy của học sinh, biết cách tạo ra một không khí lớp học sôi nổi và điều quan trọng hơn cả là tìm ra những cách tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề một cách đơn giản nhất hay nói khác đi là phương pháp truyền đạt kiến thức hiệu quả.
Một người giáo viên chủ nhiệm thành công không đồng nghĩa với việc lớp do thầy/cô ấy chủ nhiệm luôn đứng đầu toàn trường trong xếp hạng thi đua, mà ở chỗ các em học sinh nhận được gì sau những lần xếp hạng ấy - là một danh hiệu, là trách nhiệm, niềm kiêu hãnh hay sự tự ý thức về bản thân, từ đó nâng cao ý thức kỷ luật cho bản thân.
Một người giáo viên chủ nhiệm thành công nhất định không đồng nghĩa với việc phải làm thế nào để học sinh sợ mình và từ sợ nên phải cố gắng không vi phạm bất cứ lỗi gì. Thành công của người giáo viên chủ nhiệm là ở chỗ học sinh có chia sẻ với mình những tâm sự về cuộc sống, về gia đình và những thổn thức của tuổi mới lớn hay không, giáo viên có cùng các em giải đáp hay đưa ra được lời khuyên kịp thời và hiệu quả cho những băn khoăn, thao thức ấy không?
Một giáo viên chủ nhiệm thành công cũng không đồng nghĩa với việc cuối năm nay lớp có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh tiên tiến, bao nhiêu em đạt hạnh kiểm tốt, khá… mà ở chỗ có bao nhiêu em học sinh sẽ trưởng thành trong suy nghĩ, bao nhiêu em đã định hướng được con đường mà mình sẽ đi trong tương lai, các em đã thực hiện được bao nhiêu % ước mơ của mình rồi, và bao nhiêu em đã biết nói lời cảm ơn ba mẹ…
Với tôi một người giáo viên thành công phải là người luôn trăn trở, thao thức, yêu nghề bằng cả trái tim ấm nóng. Bản thân tôi là một giáo viên dạy Lịch Sử - một môn học đang được toàn xã hội “quan tâm lo ngại”, nhưng tôi hiểu rằng, chỉ cần một sự cố gắng, nỗ lực, một niềm yêu nghề tha thiết tôi sẽ thành công trong sự nghiệp giáo dục mà tôi đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi.
Ở góc độ khác, TS Giáp Văn Dương cũng chia sẻ: Sau nhiều năm quan sát và trải nghiệm trực tiếp trong môi trường giáo dục, tôi nhận ra rằng: mấu chốt nằm ở phương pháp giáo dục. Cho đến nay, phương pháp giáo dục truyền thống của các trường có thể được mô tả thành một quy trình bốn bước như sau: 1. Thầy giảng giải; 2. Trò hiểu; 3. Trò ghi nhớ; 4. Thầy kiểm tra sự hiểu sự nhớ đó bằng các bài thi.
Vì thế, càng đi sâu vào giáo dục, tôi càng nhận thấy rằng, trong cách dạy học truyền thống, ngay ở khâu đầu tiên của quá trình dạy học này, đã có mầm bạo lực khi thầy tìm mọi cách để áp đặt cách hiểu cho học trò. Nay trước sự phát triển của công nghệ, những người dạy và học theo cách đó sẽ không còn cơ hội phát triển. Nếu thầy chỉ dạy như một thợ dạy, chỉ cần một vài người dạy trực tuyến là đủ. Còn người học chỉ để nhớ, chỉ cần google là xong.
Tôi đã dành nhiều thời gian suy nghĩ và thực nghiệm về điều này để tạo ra tiếp cận đồng kiến tạo, rồi sau đó rút gọn thành phương pháp đồng kiến tạo để mang lại niềm vui học tập cho chính con mình, và sau đó là học trò của mình. Nhờ đó, học trò sẽ từng bước tạo kiến thức, kỹ năng, giá trị, nhân sinh quan, thế giới quan... cho chính mình.
Muốn vậy, người thầy phải xác lập một tâm thế dạy học mới, một “nền tảng không” khi bước vào lớp học, để đồng hành và đồng nhịp cùng trò, thay vì áp đặt học trò và tự biến mình trở thành trung tâm của lớp học. Chỉ bằng cách đó, trò mới có được niềm vui đến trường mỗi ngày, vì luôn được tạo ra chính mình và sống thật với chính mình mỗi ngày.
Trước thềm năm học mới, tôi không mong mỏi gì hơn, là thay vì nhồi nhét kiến thức và thi cử nặng nề, ngành giáo dục sẽ chuyển hướng theo tinh thần đồng kiến tạo, để ngày khai giảng trở thành ngày khai học, và học sinh có được niềm vui học mỗi ngày”…
Uyên Na - Pháp luật Plus