Kỷ niệm 54 năm thành lập ASEAN: Các quốc gia Đông Nam Á cùng đoàn kết vượt qua mọi khó khăn
Kinhte&Xahoi
Hôm nay, ngày 8/8/2021 đánh dấu 54 năm hình thành và phát triển Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, 8/8/1967 - 8/8/2021).
Dù Covid-19 diễn biến phức tạp cùng nhiều biến động khác trong khu vực cũng như quốc tế, ASEAN vẫn kiên cường khẳng định rõ tinh thần đoàn kết, chủ động đối mặt với khó khăn, thách thức, cùng nhau vượt qua và đồng thời từng bước phục hồi kinh tế.
54 năm đoàn kết
ASEAN được thành lập vào ngày 8/8/1967 thông qua Tuyên bố ASEAN, được ký bởi Bộ trưởng Ngoại giao 5 nước thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Sau đó, ASEAN đã mở rộng bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam gia nhập năm 1995. Hoạt động hợp tác của ASEAN đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội các quốc gia trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) trực tuyến (Ảnh: TTXVN)
Các quốc gia trong khu vực đã từng bước vượt qua các rào cản của lịch sử và những khác biệt, cùng chung tay đẩy mạnh hợp tác, tăng cường liên kết dưới một mái nhà ASEAN, cùng phấn đấu vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển.
Chủ động thích ứng
ASEAN đang đứng trước những thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19. Bối cảnh này đòi hỏi ASEAN phải đoàn kết một lòng, thống nhất duy trì vai trò trung tâm ở khu vực, gắn kết và chủ động thích ứng hơn bao giờ hết. Tính đến thời điểm này, các nước thành viên ASEAN đã và đang cùng nhau chung tay giải quyết hiệu quả những thách thức chung của khu vực.
Trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, các nước đều khẳng định nỗ lực triển khai các sáng kiến chung, tiếp tục các kế hoạch hợp tác trong ứng phó dịch bệnh. ASEAN hiện cũng nhận được nhiều cam kết hợp tác, hỗ trợ của các đối tác để vượt qua dịch bệnh, với số lượng vắc-xin dành cho các nước ASEAN càng ngày càng nhiều cùng các kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch đang được tích cực thúc đẩy.
Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 hiện đạt 20,8 triệu USD từ nguồn đóng góp của các nước thành viên và đối tác. ASEAN đã quyết định sử dụng 10,5 triệu USD để mua vắc-xin cho các nước thành viên thông qua hợp tác với UNICEF. Khung Phục hồi tổng thể ASEAN đang được triển khai từng bước theo đúng lộ trình.
ASEAN quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì các giao dịch, giao thương của các nước không bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cao nhất có thể trong hoàn cảnh này cho doanh nghiệp để có thể duy trì thương mại và đầu tư. Đặc biệt, ASEAN sẽ đẩy mạnh hợp tác để chuyển đổi số. Các Bộ trưởng ASEAN phụ trách về hợp tác số đã thông qua Kế hoạch chuyển đổi số của ASEAN cho đến năm 2025. Đồng thời, ASEAN quyết tâm tận dụng và đẩy mạnh các Hiệp định đã ký kết về tự do hóa thương mại, xác định với nhau là cố gắng để phê chuẩn sớm nhất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Trải qua 26 năm, Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên chủ động, tích cực trong phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam phù hợp với nhu cầu hợp tác, phát triển vì hòa bình, thịnh vượng của cả khu vực. Trong những lần nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã chủ động làm tốt vai trò trung tâm, dẫn dắt khi đưa ra một loạt sáng kiến, đề xuất.
Đặc biệt, trong năm 2020, nhiều sáng kiến của Việt Nam về hợp tác ứng phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch đã được các thành viên ASEAN nhất trí và đưa vào triển khai như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN... Những sáng kiến này đã góp phần giúp ASEAN đứng vững trước đại dịch Covid-19 và sớm đi vào phục hồi, bảo đảm cho định hướng phát triển của khu vực. |
Ngọc Ly - TTTĐ