Xem nhiều

Kỷ niệm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2022): Những dấu ấn nổi bật trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc

20/09/2022 08:45

Kinhte&Xahoi 45 năm trước, ngày 20/9/1977, Việt Nam đã chính thức gia nhập Liên hợp quốc, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Việc gia nhập là bước đi đúng đắn của Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập với thế giới.

Giai đoạn 1977-1986

 Ngay sau khi tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc để Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.

Mặt khác, chúng ta cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của Liên hợp quốc phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, song một số tổ chức quốc tế đã viện trợ cho Việt Nam từ năm 1975. Trong giai đoạn này, Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và từng bước khôi phục sản xuất. Liên hợp quốc đã tích cực giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn nhiều mặt với tổng viện trợ đạt hơn 500 triệu USD.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) ngày 20/9/1977 thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Các tổ chức tài trợ chính bao gồm: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cao Ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các tổ chức này đã hỗ trợ đáng kể cho đầu tư của Chính phủ Việt Nam về các hạng mục phát triển xã hội, tập trung trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Hợp tác với Liên hợp quốc đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển. Đồng thời trong bối cảnh bao vây cấm vận, hợp tác với Liên hợp quốc tạo điều kiện để ta tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước phương Tây.

Giai đoạn 1986-1996

 Đây là giai đoạn Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, theo đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiến hành đổi mới chính sách kinh tế, chính sách xã hội. Cho tới cuối những năm 1980, Liên hợp quốc chiếm tới gần 60% tổng số viện trợ cho Việt Nam ngoài nguồn từ các nước xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, viện trợ không hoàn lại của Liên hợp quốc cho Việt Nam đạt trên 630 triệu USD. Từ đầu những năm 1990, nhiều nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực nối lại viện trợ cho Việt Nam nhưng Liên hợp quốc vẫn chiếm 30% viện trợ kỹ thuật từ bên ngoài.

Trong giai đoạn này, một số tổ chức đã nâng mức hỗ trợ như Quỹ Phát triển nông nghiệp (IFAD), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). Một số tổ chức khác cũng bắt đầu có hoạt động viện trợ trực tiếp như Chương trình kiểm soát Ma túy Liên hợp quốc (UNDCP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và thêm nhiều nước song phương cũng như các tổ chức tài chính tiền tệ như Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tham gia trong các loại hình dự án hỗn hợp đa-song phương.

Các dự án hợp tác là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan và trình độ cán bộ trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới; đồng thời Liên hợp quốc tiếp tục có những đóng góp có giá trị đối với việc nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật, và giải quyết các vấn đề xã hội khác của Việt Nam.

Giai đoạn 1997-2011

 Trong giai đoạn 1997-2000, Liên hợp quốc dành ưu tiên cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và các chính sách xã hội; cải cách và quản lý phát triển; quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên; và điều phối viện trợ, quản lý nhà nước và huy động nguồn lực.

Trong giai đoạn hợp tác 2001-2005, Liên hợp quốc có ba ưu tiên chính là thúc đẩy hơn nữa cải cách, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Liên hợp quốc chuyển mạnh hướng hỗ trợ kỹ thuật sang hỗ trợ các biện pháp cải cách về chính sách và thể chế kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hành chính công, luật pháp, lập kế hoạch đầu tư công, phát triển hệ thống ngân hàng, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác phòng chống HIV/AIDS và các bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, tổ chức hàng năm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ v.v.. Những ưu tiên chính trong giai đoạn này là thúc đẩy cải cách, tư vấn trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi nhiều bộ luật quan trọng, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thực hiện Chương trình 135, lồng ghép với việc thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), hỗ trợ trong các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên, nâng cao nhận thức của người dân về môi trường, xây dựng chiến lược và chính sách, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường và đa dạng sinh học. Trong giai đoạn 2006-2011, viện trợ của Liên hợp quốc cho Việt Nam đạt trên 400 triệu USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao chung Khóa họp thường niên lần thứ 62 Đại hội đồng Liên hợp quốc, tại New York (28/9/2007). (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Trong giai đoạn 2007-2011, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên hợp quốc làm cở sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế.

Hoạt động nổi bật nhất trong giai đoạn này là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh Hội đồng Bảo an phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại.

Việt Nam tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm Vũ khí Hóa học (CWC) năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT) năm 1996, tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ Quân bị (CD) năm 1996. Ngoài ra, ta sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị lớn như Hội nghị Kiểm điểm NPT 2000, 2005, 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, 2003...

Việt Nam cũng tham gia đầy đủ và thực chất vào các cơ chế hoạch định chính sách của Liên hợp quốc, như phục vụ việc Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch ĐHĐ Liên hợp quốc năm 1997, tham gia Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) (1998-2000). Ta đã hoàn thành trước hạn 5/8 các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG).

Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển Liên hợp quốc mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này.
 

Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển Liên hợp quốc mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này.

Mô hình hợp tác 3 bên (ban đầu giữa Việt Nam, FAO, Senegal về trồng lúa) đã được mở rộng và áp dụng rộng rãi, được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam - Nam. Ta cũng chủ động tham gia sâu hơn vào hệ thống Liên hợp quốc thông qua việc là thành viên Hội đồng chấp hành UNDP/UNFPA (nhiệm kỳ 2000-2002), ECOSOC (1998-2000)… Trong giai đoạn này, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các tổ chức phát triển Liên hợp quốc thực hiện thí điểm sáng kiến “Một Liên hợp quốc”, được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao.

Giai đoạn 2012-2016

 Trong khuôn khổ Sáng kiến Thống nhất Hành động-Một Liên hợp quốc (DaO), Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch chung tiếp theo của Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2016, phù hợp với dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội (SEDP) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (SEDS) của Việt Nam.

Lễ ký kết Chương trình chung của LHQ hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2014-2016 (Hà Nội, 7/3/2014). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Kế hoạch chung này ưu tiên 3 lĩnh vực trọng tâm chính là: chất lượng tăng trưởng, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội; tăng cường tiếng nói và nâng cao quản trị công. Một cấu phần quan trọng của Sáng kiến Thống nhất Hành động-Một Liên hợp quốc là Một Ngôi nhà chung, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Ngôi nhà Xanh chung Liên hợp quốc tại Hà Nội. Đây là Ngôi nhà chung Liên hợp quốc đầu tiên thân thiện với môi trường, được khánh thành nhân dịp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon vào thăm Việt Nam tháng 5/2015.

Là một trong tám nước thí điểm triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động trên thế giới, nhìn chung, sáng kiến này đã đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016) và thành viên của ECOSOC (nhiệm kỳ 2016-2018). Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Giai đoạn 2017-2021 đến nay

 Hai bên đã hoàn thành Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Một Liên hợp quốc đã được ký tháng 7/2017. Chương trình này tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Chương trình bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên: Đầu tư vào Con người; Đảm bảo thích ứng với Biến đổi Khí hậu và phát triển môi trường bền vững; Thúc đẩy sự Thịnh vượng và Quan hệ Đối tác; Tăng cường Công lý, Hòa Bình và Quản trị toàn diện.

Tổng ngân sách của Chương trình này là hơn 423 triệu USD. Nhìn chung, hỗ trợ của Liên hợp quốc được đánh giá là thiết thực, phù hợp với các mục tiêu phát triển của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình hợp tác cũng có những khó khăn, hạn chế như nguồn lực tài chính giảm, nhiều dự án giải ngân chậm một phần do những vướng mắc trong thủ tục phê duyệt dự án, xác nhận viện trợ và thủ tục quản lý, tiếp nhận ODA còn phức tạp, sự phối hợp giữa đối tác cung cấp viện trợ cũng như cơ quan quản lý, tiếp nhận viện trợ chưa thực sự hiệu quả.

Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, ngày 23/11/2020, thông qua Nghị quyết về hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam là nước thay mặt ASEAN chủ trì soạn thảo nội dung và thương lượng nghị quyết. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Hiện nay, thông qua phối hợp với Văn phòng Điều Phối viên Liên hợp quốc, các quỹ, chương trình Liên hợp quốc, Việt Nam đã thông qua các Chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) giai đoạn 2022-2026 và Khung hợp tác phát triển bền vững Việt Nam-Liên hợp quốc (trước đây là Kế hoạch Chiến lược chung) giai đoạn 2022-2026.

Khung hợp tác tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2021-2025 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Chương trình bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên: phát triển xã hội bao trùm; chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và bền vững môi trường; chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi nền kinh tế; quản trị và tiếp cận công lý. Tổng ngân sách của Chương trình này là hơn 542 triệu USD, trong đó có hơn 293 triệu USD có sẵn và hơn 248 triệu USD cần huy động thêm.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), Việt Nam đã tham gia, thúc đẩy các sáng kiến đa phương quan trọng, nổi bật là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết tại Hội nghị COP 26 về việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết toàn cầu giảm phát thải mêtan, Tuyên bố Glasgow các nhà Lãnh đạo về Rừng và Sử dụng đất, Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch và Liên minh Hành động Thích ứng toàn cầu.

Trong đại dịch COVID-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận viện trợ hơn 61,7 triệu liều vaccine thông qua Chương trình COVAX (vượt con số cam kết ban đầu của COVAX là 38,9 triệu liều) và vật tư y tế trị giá 45 triệu USD từ các tổ chức Liên hợp quốc.

Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã và đang hỗ trợ Việt Nam trên 5 lĩnh vực gồm: chuẩn bị khẩn cấp y tế cộng đồng, giám sát, đánh giá rủi ro, điều tra và phản ứng với dịch bệnh, phòng thí nghiệm, kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm và quản lý lâm sàng, truyền thông rủi ro. Các tổ chức Liên hợp quốc cũng đưa ra hướng dẫn phòng chống COVID-19 cho trẻ em, người lao động và toàn xã hội và có 2 báo cáo tổng hợp đánh giá tác động của COVID-19 tại Việt Nam và khuyến nghị biện pháp ứng phó. Đặc biệt tháng 2/2022, Tổng Giám đốc WHO tuyên bố Việt Nam là một trong những nước đang phát triển được nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA.

Về phần mình, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người: Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước.

Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 493 lượt sỹ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ ở Nam Sudan và 1 đội công binh tại Phái bộ ở Abyei (khu vực tranh chấp giữa Nam Sudan và Sudan); là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quyết định của Chủ tịch nước và giao nhiệm vụ cho 3 sỹ quan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi (Hà Nội, 22/10/2020). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Việt Nam đã được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) với với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu ủng hộ và hoàn thành xuất sắc cương vị này, thể hiện trách nhiệm cao, trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực.

Việt Nam đã lồng ghép được các lợi ích, ưu tiên thông qua việc chủ trì, thúc đẩy các sáng kiến, văn kiện tại Hội đồng Bảo an, gắn kết vai trò ASEAN trong các hoạt động của Hội đồng Bảo an, khẳng định năng lực điều hành, từng bước thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại Hội đồng Bảo an với nhiều dấu ấn tích cực: Đã đề xuất, chủ trì soạn thảo, thương lượng, thông qua nhiều văn kiện, gồm: 2 Nghị quyết về Gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; 3 Tuyên bố Chủ tịch của Hội đồng Bảo an về Tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, Tăng cường quan hệ giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và Giải quyết hậu quả bom mìn; 1 Tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở Indonesia; 1 Văn kiện Cam kết Hà Nội của Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Việt Nam đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc như thành viên Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027; hiện đang đẩy mạnh vận động ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, một số cơ chế của Liên hợp quốc như Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy ban pháp lý và kỹ thuật của Cơ quan quyền lực đáy đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), ngày 1/11/2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Việt Nam cũng phối hợp tốt với Liên hợp quốc trong công cuộc chống đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với 112 quốc gia đồng thuận. Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của Liên hợp quốc và 1 triệu USD cho COVAX và đang chuẩn bị đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX, trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC của Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi chiến sự tại Ukraine, cụ thể: 100.000 USD cho Quỹ ứng phó khẩn cấp trung tâm (CERF); 100.000 USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); 100.000 USD cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); và 200.000 USD của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đóng góp cho Hội Chữ thập Đỏ Ukraine.

Trong 45 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc ý nghĩa to lớn từ giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc đạt kết quả tốt và có tác dụng tích cực, vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và “dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới.

Theo TTXVN

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Du lịch Hà Nội đón 13,87 triệu lượt khách kể từ đầu năm

Ngày 19/9, Sở Du lịch Hà Nội thông tin, trong nửa đầu tháng 9, ngành du lịch Hà Nội đã đón khoảng 1,48 triệu lượt khách. Trong đó khách du lịch quốc tế ước đón 184.000 lượt khách, tăng 18% so với tháng 8/2022; khách du lịch nội địa ước đón 1,3 triệu lượt khách.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-dau-an-noi-bat-trong-quan-he-giua-viet-nam-va-lien-hop-quoc-206123.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com