Kỳ thi vào lớp 10 công lập và những nỗi lo…

06/03/2022 09:06

Kinhte&Xahoi Không chỉ phụ huynh, học sinh căng thẳng mà cả thầy cô đều áp lực khi kỳ thi đang đến gần trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh và học sinh phải học online gần 1 năm…

Đứng ngồi không yên

 Em Trần Nguyễn Thái An, học sinh lớp 9A4, trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết: “Năm nay em muốn vào trường THPT Cầu Giấy, dù gia đình không tạo áp lực nhưng em tự cảm thấy cần phải cố gắng nhiều bởi học online em thấy sức học mình đuối. Có lúc em thấy hoa mắt vì tiếp xúc với máy tính lâu, lúc đó em nhắm mắt nghỉ ngơi 1 lúc rồi lại học tiếp. Kỳ thi sắp đến rồi, không còn thời gian mà nghỉ nữa nếu muốn vào trường mình mong ước. Đôi khi em thấy thật áp lực”.

Thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh đều lo lắng trước kỳ thi vào lớp 10 công lập (Ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Thu Phương ở quận Hà Đông chia sẻ: “Năm nay con trai tôi thi vào lớp 10, chỉ còn thời gian ngắn là kỳ thi diễn ra, tôi thấy mình đang ngồi trên đống lửa, rất lo lắng. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiện rất nhiều cô, trò bị F0, điều này ảnh hưởng không nhỏ chất lượng học.

Năm trước cũng COVID-19 nhưng địa bàn Hà Nội lúc đó rất ít người bị F0, thầy trò không bị ảnh hưởng nên vẫn đảm bảo việc day, học. Năm nay, dịch kéo dài, thời lượng học online gần như cả năm. Khi được đi học trực tiếp thì cứ vừa học, vừa mang tâm lý thấp thỏm, bạn này F0, bạn kia F1… rồi luôn sẵn sàng chuyển sang trực tuyến. Đã thế học sinh nào bị F0 thì không đảm bảo sức khoẻ để học, lại phải nghỉ; Em không mắc COVID-19 thì cũng ảnh hưởng tâm lý khi lớp học không ổn định.

Lớp con tôi được xếp loạt học tốt nhất trong khối của trường suốt nhiều năm nhưng vừa rồi thi khảo sát, kết quả rất yếu, tỉ lệ điểm 5, 6 chiếm 2/3 lớp. Giờ chúng tôi chỉ mong, thành phố cân nhắc việc thi cử môn thứ 4 phù hợp để làm sao vừa đảm bảo thực tế học hiện nay, vừa đảm bảo tâm lý học sinh, phụ huynh giữa mùa dịch căng thẳng này”.

Giảm áp lực cho giáo viên và học sinh

 Cô Nguyễn Thị Tám, giáo viên môn Văn trường THCS Tân Hòa (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho rằng: “Hà Nội cho học sinh đi học trở lại mới được 1 thời gian ngắn thì dịch lại diễn ra căng thẳng. Các trường vùng 1,2 thì mỗi lớp 1 số em được học trực tiếp, 1 số em lại phải ở nhà học trực tuyến bởi số lượng F0, F1 tăng nhanh. Nhiều trường ở vùng cam lại phải cho học sinh quay lại học online… điều này tạo áp lực không nhỏ cho cả thầy cô giáo và học sinh (đặc biệt đối với việc ôn tập cho các em lớp 9).

Nhiều ý kiến cho rằng giảm bớt môn thi để giảm bớt áp lực cho giáo viên và học sinh (Ảnh minh họa)

Tại các trường học hiện nay, nhiều thầy cô đã bị F0, F1 nên việc phân công dạy thay, dạy đổi cũng khó đảm bảo được chất lượng. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên phải cách ly tăng cao, sức khỏe của các thầy cô bị mắc COVID cũng làm một phần chất lượng các giờ dạy bị giảm sút.

Đối với học sinh, số lượng F0, F1 biến đổi liên tục, có tuần học trực tiếp, có tuần học online. Đi học trực tiếp thì có lớp tới hơn một nửa học sinh là F0,F1, thậm chí có lớp chỉ chục bạn học trực tiếp. Bên cạnh đó, do thầy cô giảng dạy lúc là F0, lúc là F1 nên thời khoá biểu của học sinh bị xáo trộn nhiều, chất lượng các giờ học không đảm bảo...”.

Từ đó cô Tám cho rằng, nếu có thể, nên bỏ môn thi thứ 4. Chỉ nên thi 3 môn Toán - Văn - Anh để đỡ áp lực cho cả giáo viên và học sinh.

Cần công bố trọng tâm của các môn thi sớm

 Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, lo lắng của phụ huynh là đúng nếu chúng ta làm theo cách cũ và nghĩ theo cách cũ. Vì cách cũ là cứ chất tải kiến thức, đưa những bài toán khó để loại học sinh thì tự nhiên kiến thức nhiều lên, lo lắng là điều tất yếu. Hơn nữa, dạy theo kiểu tăng cường số giờ học để bù vào kiến thức còn thiếu hụt nên phụ huynh và học sinh càng lo.


TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng cần sớm công bố trọng tâm môn thi (Ảnh minh họa)

TS Tùng Lâm nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là thi 3 hay 4 môn không quan trọng, cha mẹ hay nhà giáo dục đều có lý lẽ... Tuy nhiên tôi nghĩ, kỳ thi vào lớp 10 nên phụ thuộc vào yêu cầu thi và cách ra đề thi. Quan điểm của tôi không lo bớt môn thi mà phải làm rõ trọng tâm. Yêu cầu của cuộc thi là kiểm tra năng lực thật chứ không phải kiểm tra số lượng kiến thức; Kiểm tra năng lực tư duy, rèn năng lực tư duy là phải học khác chứ không phải lúc nào cũng ngồi cắm cúi ôm máy tính để học. Ra bài tập phải đưa ra một bài toán xem năng lực tư duy của học sinh như thế nào, để các em phải tự đưa ra phương án giải quyết, tự học, tự ngẫm nghĩ… như thế sẽ giảm được thời gian học.

Tôi cho rằng, trọng tâm của các bộ môn, Sở GD&ĐT nên hướng dẫn rõ ràng, nếu học theo sách giáo khoa thì nhiều lắm, dàn trải, cần phải cho học sinh biết đâu là trọng tâm, đâu là kiến thức cơ bản. Ngoài ra là cần xem cách học sinh vận dụng kiến thức vào cuộc sống, đó là năng lực cần hướng tới.

Quan điểm của tôi là các Sở GD&ĐT phải công bố sớm trọng tâm của các môn thi và có định dạng bài giải, rèn tư duy gắn với thực tiễn để học sinh rèn luyện chứ không nên cộng nhiều giờ học bù để gắn kiến thức vào, vì bây giờ kiến thức không cần học nhiều. Như thế không cần lo 3 hay 4 môn thi, không cần phải chạy theo số lượng nữa”.

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Số smartphone có cài đặt PC-Covid đạt tỷ lệ 62,30%

Tối 4/3, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hà Nội, tính đến hết ngày 3/3, số smartphone có cài đặt PC-Covid trên tổng số smartphone là 4.164.693/6.685.289 đạt tỷ lệ 62,30%.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ky-thi-vao-lop-10-cong-lap-va-nhung-noi-lo-191212.html