Quan điểm này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ khi phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 30 năm phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức mới đây.
Đó là chỉ đạo rất chính xác. Chính sách thông thoáng sẽ huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân, DN cho phát triển. Hạ tầng thông suốt sẽ giúp giảm chi phí, tạo không gian phát triển mới, giá trị mới. Quản lý thông minh sẽ giúp giảm chi phí, thời gian, phòng, chống tiêu cực, sách nhiễu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Để thực hiện điều đó, cần một quá trình, từ quan điểm chỉ đạo, đến chuẩn bị các điều kiện cần thiết và kiên quyết thực hiện. Chính sách thông thoáng là cả quá trình tiếp cận thực tiễn; soát xét những quy định bất cập để sửa đổi, bổ sung, thay thế; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính.
Để có hạ tầng thông suốt, phải chuẩn về quy hoạch, có vốn đầu tư, thời gian thực hiện dự án. Để có quản lý thông minh phải chuyển đổi số, hạ tầng số được đầu tư tương thích, đáp ứng yêu cầu.
Chúng ta đã và đang phấn đấu kiến tạo. Tuy nhiên, thực tế còn một số điều chưa được như mong muốn. Có thể ví dụ mới đây khi chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Thủ tướng cũng đã chỉ ra còn một số vướng mắc, khó khăn cần phải vượt qua, từ sửa đổi các văn bản trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, tài chính cho phù hợp; và phân cấp, phân quyền tối đa trong điều hành.
Xét trên khía cạnh cơ chế, trên thực tế, ở lĩnh vực nào cũng gặp khó khăn ít nhiều. Như trong khối DN, một số DN dù đã cổ phần hóa, nhưng vốn Nhà nước đang chi phối, nên lãnh đạo những DN này còn mất thời gian xin ý kiến cơ quan chủ quản, Bộ, ngành liên quan.
Vẫn còn tình trạng một số cơ quan chức năng nêu ý kiến chung chung như “thực hiện đúng quy định của pháp luật”; trong khi điều DN cần là các ý kiến cụ thể, quan điểm cụ thể cần được trả lời rõ ràng, giải quyết kịp thời.
Lãnh đạo Chính phủ đã một số lần yêu cầu, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phải luôn tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo và phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể. Không thể cứ vướng mắc gì là đẩy lên cấp trên, đề nghị cấp trên giải quyết hết “sự vụ hành chính”; không thể tiếp tục để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98, Thủ tướng đã thẳng thắn nhận xét: “Một số Bộ, ngành vẫn có cách làm dè dặt do tư tưởng chưa thông”. Để thực tế đạt được bằng hoặc gần bằng kỳ vọng, thực tế “tư tưởng chưa thông” nêu trên cần phải bị thay đổi, dẹp bỏ.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus