Lai Châu: Công trình trọng điểm của tỉnh mới xây xong đã xuống cấp

21/01/2024 12:54

Kinhte&Xahoi Công trình sửa chữa nâng cấp, mở rộng từ khuôn viên Nhà văn hóa bản Lướt thành Nhà truyền thống Khu di tích lịch sử bản Lướt là công trình trọng điểm của tỉnh Lai Châu. Mặc dù, công trình mới xây dựng xong chưa được bao lâu, nhưng hiện nay một số hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, dấu hiệu thi công kém chất lượng.

Nhà truyền thống Khu di tích lịch sử bản Lướt, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Than Uyên làm chủ đầu tư.

Nhà truyền thống Khu di tích lịch sử Bản Lướt được xây dựng tại xã Mường Kim (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) là công trình được sửa chữa nâng cấp, mở rộng từ khuôn viên Nhà văn hóa bản Lướt thành Nhà truyền thống Khu di tích lịch sử bản Lướt, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Than Uyên làm chủ đầu tư.

Được biết, đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh (công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu), do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quang Minh (có địa chỉ tại thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên) thi công.

Hạng mục đường đi phía trước khuôn viên nhà truyền thống và đường lên khu di tích xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài.

Công trình có tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng, gồm các hạng mục như: Cải tạo, nâng cấp nhà sàn; xây mới hệ thống cổng, tường rào bao quanh khuôn viên, lát gạch toàn bộ diện tích sân; mở mới một phần đường đi phía trước khuôn viên nhà truyền thống và nâng cấp đường lên khu di tích với quy mô đường bê tông rộng 5m; xây dựng mới công trình vệ sinh đảm bảo mỹ quan khuôn viên…

Đường bê tông xuất hiện nhiều vết nứt chằng chịt.

Tuy nhiên, công trình mới xây dựng xong chưa được bao lâu, nhưng hiện nay một số hạng mục đã bị hư hỏng.

Đặc biệt là hạng mục kè và đường bê tông phía trước khuôn viên khu di tích đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt, sụt lún, nứt gãy nghiêm trọng... Đáng chú ý, mái kè trước khuôn viên dù đã được xây dựng kiên cố nhưng do bị nứt vỡ quá nhiều nên đơn vị thi công đã đào lật tung lên để trơ ra phần đất bên trong.

Có đoạn bị sụt lún thành khe nứt lớn.

Qua ghi nhận cho thấy, đoạn đường bê tông rộng 5m dẫn lên khu di tích cũng đã xuất hiện các vết nứt, nhất là tại đoạn đường phía trước khuôn viên có nhiều vết nứt gãy khá lớn.

Không chỉ đường bê thông bị xuống cấp mà hạng mục tường bao quanh khuôn viên và kè xây bao quanh áo cá cũng xuất hiện khá nhiều vết rạn nứt, dấu hiệu thi công kém chất lượng.

Mái kè trước khuôn viên dù đã được xây dựng kiên cố nhưng do bị nứt vỡ quá nhiều nên đơn vị thi công đã đào lật tung lên để trơ ra phần đất bên trong.

Thước thực trạng công trình trọng điểm của tỉnh mới xây dựng xong chưa được bao lâu đã hư hỏng, nhiều người dân rất tỏ ra bức xúc, bởi công trình được đầu tư gần chục tỷ đồng, một số tiền không hề nhỏ.

Kè chắn trước khuôn viên cũng có viết nứt khá lớn.

Để làm rõ, phóng viên có cuộc trao đổi với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Than Uyên, đại diện Ban xác nhận việc một số hạng mục công trình bị hư hỏng là có.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Ban cho hay: Sự cố mang tính khách quan, nguyên nhân là do ảnh hưởng của đợt mưa lũ tháng 8/2023 và nền đất yếu. Theo vị này cho hay, công trình đã xây dựng xong nhưng một số hạng mục đang được hoàn thiện nốt.

Tường bao quanh khuôn viên cũng có xuất hiện nhiều vết rạn nứt.

Vấn đề đặt ra là, theo quy trình xây dựng, mỗi một công trình đều phải có các đơn vị tư vấn, giám sát. Và trước đó, phải có thăm dò, khảo sát đánh giá địa chất để có phương án thi công đảm bảo chất lượng.

Tường bao quanh ao cá bên trong khuôn viên khu di tích xuất hiện khá nhiều vết rạn nứt.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng Nhà truyền thống Khu di tích lịch sử Bản Lướt là đặc biệt cần thiết vì nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với huyện Than Uyên nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung, nhưng phải đặc biệt chú trọng tới chất lượng, mục tiêu đạt hiệu quả. Bởi đây là công trình có ý nghĩa chính trị, giáo dục lịch sử của mọi tầng lớp nhân dân...

Đồng thời là địa chỉ đỏ, điểm đến tham quan của du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

Thế nhưng, với những bất cập tồn tại như trên, hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về cách quản lý đầu tư xây dựng công trình công ích tại địa phương này.

Đoạn kè phía trước khuôn viên khu di tích đang bị hư hỏng.

Một công trình sử dụng ngân sách nhà nước nhanh xuống cấp, nhanh hư hỏng như vậy liệu có hay không nhà thầu thi công kém chất lượng?

Đặc biệt ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Than Uyên, nguồn ngân sách của địa phương không dồi dào, lẽ ra cần khảo sát, tính toán phương án thi công đảm bảo chất lượng lâu dài, tránh gây ra lãng phí ngân sách nhà nước. 

Đề nghị UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc làm rõ quá trình tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và quá trình thi công của dự án nói trên, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Nhật Minh - Quốc Định- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 22/TB-VPCP ngày 19/1/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/lai-chau-cong-trinh-trong-diem-cua-tinh-moi-xay-xong-da-xuong-cap-d203658.html