Quốc lộ 1A đoạn đi qua Thừa Thiên Huế xuống cấp nghiêm trọng.
Năm 2013 – 2015, cả chiều dài QL1A từ Bắc vào Nam đúng là một công trường vĩ đại. Có dịp đi từ Bắc vào Nam trên con đường huyết mạch này, chắc chắn ai cũng nhận ra: Không riêng Thừa Thiên - Huế mà QL1A qua nhiều tỉnh khác đều xuống cấp ở các mức độ khác nhau. Đã có câu chuyện hài, nhiều gói dự án được coi là mẫu” cắt băng một thời gian không lâu bị lún, hằn vệt bánh xe...Và người ta đổ lỗi cho thời tiết nóng; còn nguyên nhân trực tiếp được “lảng tránh”.
Trước câu chuyện QL1A qua Thừa Thiên - Huế chưa hết “bảo hành” đã xuống cấp nghiêm trọng, một thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, nhà đầu tư, đơn vị thi công phải có trách nhiệm bảo trì, sửa chữa dứt điểm những điểm hư hỏng trên QL1A trước khi bàn giao cho cơ quan quản lý Nhà nước. Vâng, câu nói đúng “giáo trình”.
Thường khi thực hiện dự án bao giờ cũng có “thay mặt” chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (với dự án lớn). Câu chuyện đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (và vụ án đã được khởi tố) cho thấy, tất cả đều bị “qua mặt”.
Năm 2020 đánh dấu thời gian cuối cùng của 5 năm bảo hành, duy tu bảo dưỡng. Qua được “mốc” 5 năm nhưng sang năm thứ 6 thì sao?
Nêu ra câu chuyện râm ran về dự án QL1A qua Thừa Thiên - Huế, để nói rằng: thất thoát, lãng phí trong các công trình, dự án từ đầu tư công đến BOT có mặt khắp nơi. Với các dự án BOT, nhà đầu tư thu phí rất cao, thời gian thu phí rất dài; tất cả đều “đánh” vào giá cả hàng hóa, đáng ra phải tốt nhưng thực tế cũng không khá hơn.
Ngày 20/7 vừa qua, làm việc với TP. Hồ Chí Minh về các dự án đầu tư công và các nguồn vốn khác, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không được để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình triển khai các dự án.
Từ Tâm - Pháp luật Plus