Chuyện lạm thu từ trước đến nay dư luận nói nhiều, phản đối nhiều đều do hiệu trưởng gây ra. Chính hiệu trưởng là người phải chịu trách nhiệm lạm thu “cấp trường”.
Trường học lạm thu bị dư luận lên án, xử lý lạm thu phải xử lý kỉ luật hiệu trưởng nghiêm minh, nghiêm khắc; có như thế mới mong nạn lạm thu không còn đất sống.
Thực tế, hiện nay lạm thu “cấp lớp” cũng gây không ít phản cảm cho học sinh và phụ huynh. Người phải chịu trách nhiệm trong lạm thu “cấp lớp” không ai khác, chính là giáo viên chủ nhiệm.
Vô tình “kẹt” vào thế lạm thu
Không ít hiệu trưởng “bán cái” cho giáo viên chủ nhiệm thông qua “hướng dẫn công tác chủ nhiệm” đầu năm học.
Lạm thu “cấp lớp” cũng gây không ít phản cảm cho học sinh và phụ huynh. (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).
Hiệu trưởng đề ra kế hoạch lắp máy điều hòa, máy chiếu, trang trí lớp học… hoàn toàn bằng “miệng”, không văn bản giấy tờ; giáo viên chủ nhiệm tiếp thu, vận động phụ huynh “tài trợ”; khi dư luận phản đối, hiệu trưởng “phủi tay” không nhận trách nhiệm.
Nếu kế hoạch thành công êm xuôi, “công đầu” thuộc về hiệu trưởng. Dạng “tài trợ” này là “bổ đầu học sinh”, trái pháp luật. Giáo viên chủ nhiệm vô tình kẹt vào thế phải lạm thu vì thành tích của mình, của lớp.
Chủ động lạm thu
Có những giáo viên “khai thác” tiền phụ huynh, được đồng nghiệp tôn hàng “sư phụ”; phụ huynh “vui vẻ” móc hầu bao, đóng tiền, không hề có một chút “phân vân”; họ khéo ăn nói, tất cả cùng vì học sinh thân yêu.
Nào là tiền tổ chức sinh nhật cho học sinh trong tuần; tiền liên hoan lớp mỗi buổi sinh hoạt cuối tuần; tiền quà sinh nhật tặng giáo viên dạy lớp; tiền tặng quà cô giáo ngày 20/10,8/3; tiền quà 20/11; tiền quà tết; tiền đi du lịch v.v...
Càng lớp chuyên, lớp chọn số tiền đóng góp càng lớn. Với gia đình khá giả, đóng mỗi năm dăm bảy triệu bạc là bình thường; với gia đình khó khăn là cả vấn đề; thế nhưng cả lớp không ai phản đối, thôi người ta sao mình vậy.
Chị H. có con học tốt, được chọn vào lớp “mũi nhọn” tâm sự: “Cháu vào lớp chọn cũng tự hào, nhưng khổ nhất là đóng tiền; cô chủ nhiệm phân tích, lớp chọn chủ yếu học các môn Toán, Văn, Anh để thi học sinh giỏi lấy thành tích cho trường, cho gia đình, các môn phụ học ít hơn; thế nhưng cũng cần có điểm “đẹp” vì vậy phải quan tâm đến thầy cô môn phụ.
Mình quan tâm, thì kết quả học tập cũng dạng “quan tâm”; cả lớp cuối năm đều học sinh giỏi hết, cá biệt có một vài em khá.
Có phụ huynh giấu tên ủng hộ thêm cả chục triệu, vậy mong quý phụ huynh đóng góp ít nhất theo phần mỗi em”.
Làm sao ngăn chặn lạm thu cấp lớp?
Đã có giáo viên chủ nhiệm lạm thu bị khiển trách, thế nhưng phải khiển trách giáo viên lạm thu chứng tỏ công tác quản lý của hiệu trưởng chưa thực sự sâu sát.
Chống lạm thu cấp lớp, phải chống lạm thu cấp trường trước.
Hiệu trưởng quán triệt ngay từ đầu chỉ thu các khoản mà nhà nước, pháp luật cho phép, tuyệt đối không được thu bất cứ khoản nào khác.
Nếu lớp nào thu quỹ lớp thì công tác này hoàn toàn do ban đại diện phụ huynh lớp thu - chi, không được thu bổ đầu; nếu giáo viên chủ nhiệm thực hiện không nghiêm thì cần bị đình chỉ công tác.
Tuyên truyền cho phụ huynh biết các khoản phải đóng; có thể đóng theo hình thức tự nguyện; chỉ đóng góp các khoản đã được hiệu trưởng, phòng giáo dục đã phê duyệt.
Đi học, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, ngày hạnh phúc; hạnh phúc nhất của học trò là vui học, không phải lăn tăn, lo lắng về tiền bạc.
Thầy cô giáo hạnh phúc nhất khi làm đúng lương tâm, trách nhiệm, sống được bằng lương của mình; hạnh phúc nào hơn khi học trò hạnh phúc, thầy cô cũng hạnh phúc.