Các làng hoa xã Nghi Ân (TP Vinh, Nghệ An) được xem là vựa hoa cung ứng cho nhu cầu chơi hoa Tết của người dân trong tỉnh. Ngoài việc trồng các loại hoa, cây cảnh, nhiều nhà vườn đã nhập số lượng lớn hoa để phục vụ thị trường Tết. Phần lớn những loại hoa nhập về từ Hà Nội, Đà Lạt và Trung Quốc.
Lao động thời vụ phải hợp sức để vận chuyển hoa, cây cảnh từ ô tô xuống hoặc đưa lên xe cho khách.
Cơ sở kinh doanh của anh Trần Bình Trọng (xóm Kim Chi, xã Nghi Ân) khá rộng, có hàng vạn gốc hoa đủ các loại với mức giá từ vài chục nghìn đồng đến cả triệu đồng/cây. Từ cuối tháng 11 âm lịch, thị trường hoa Tết đã bắt đầu nhộn nhịp, ngoài việc bán lẻ, cơ sở của anh còn cung ứng hoa cho các huyện. Bởi vậy, mỗi ngày hàng chục chuyến ô tô tải tấp nập nhập hàng, xuất hàng.
"Vào vụ Tết, ngoài huy động anh em, con cháu trong nhà để trông hàng, tư vấn, bán hàng... tôi phải thuê thêm 7 lao động làm công nhật. Gọi là công nhật nhưng khối lượng công việc rất lớn nên hầu như phải duy trì việc thuê nhân công cho đến khoảng 27-28 Tết, khi lượng khách giảm, hàng nhập - xuất ít dần", anh Trọng cho hay.
Công việc mệt nhọc, họ hầu như không có thời gian nghỉ bởi số lượng hoa, cây cảnh các nhà vườn nhập về phục vụ thị trường Tết rất lớn.
Thuê lao động theo ngày cũng là cách các nhà vườn khác lựa chọn cho vụ Tết. "Bình thường, lượng hàng không lớn, mình huy động anh em, con cái là được, cùng lắm thuê 1-2 người, trả tiền theo công bốc vác theo từng xe. Tết thì phải thuê thêm người mới kịp cho các đơn hàng", một chủ hàng hoa cho hay.
Bà Nguyễn Thị Hoài và cô con gái làm việc cho một "vựa hoa" ở Nghi Ân từ đầu tháng 12 âm lịch. Cùng với hai mẹ con bà Hoài, chủ vườn còn thuê thêm 4 lao động khác. Ngoài những lúc vận chuyển lên, xuống các xe hàng, hai mẹ con thành một ê kíp phụ trách việc sắp xếp, bố trí các loại hoa theo từng khu vực riêng để khách dễ quan sát, lựa chọn.
"Công việc này cũng không đơn giản, phải có sức khỏe, chịu khó quan sát để xếp các chậu hoa một cách gọn gàng, cứ chỗ nào trống phải "trám" ngay để tránh lãng phí mặt bằng.
Bà Hoài phải liên tục di chuyển các chậu hoa để lấy mặt bằng sắp xếp thêm các chậu hoa mới.
Cứ vào tầm trưa hoặc gần tối, tranh thủ thời gian nghỉ làm việc khách thường đến chọn hoa, hoặc các đại lý đến lấy hàng thì lúc đó bận tối mắt tối mũi, không có cả thời gian mà ăn cơm. Từ Rằm tháng Chạp trở đi thì chuyện quá bữa mới được ăn cơm là chuyện thường", bà Hoài cho hay.
Vất vả nhưng với khoản tiền công 300 nghìn đồng mỗi ngày, dịp này bà Hoài cũng kiếm được khoảng 7-8 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập không hề nhỏ đối với người phụ nữ này để lo các khoản mua sắm, chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán. Hơn nữa, thái độ và năng suất làm việc của họ sẽ quyết định việc năm tới chủ nhà có còn gọi làm nữa hay không do đó, dù cường độ làm việc cao, những lao động này cũng không nề hà.
Hay bê từng chậu hoa ra xe cho khách. Mỗi ngày bà Hoài được trả 300 nghìn đồng tiền công. Số tiền này sẽ giúp gia đình bà sắm Tết tươm tất hơn.
Càng gần thời điểm Rằm tháng Chạp, chợ hoa Tết trên đường Lê Nin (đoạn qua xã Hưng Lộc và Nghi Phú, TP Vinh) cũng bắt đầu nhộn nhịp. Đây là khu vực bày bán các loại đào, mai, quất, hoa lan và cây cảnh... Để phục vụ khách được tốt hơn, nhiều điểm kinh doanh phải thuê thêm lao động để trông nom, chăm sóc vườn cây.
Những ngày này, vườn của anh Trần Đại Nghĩa bắt đầu nhập những gốc đào Nhật Tân về. Sau khi đưa từ Hà Nội về, đào sẽ được "đánh" vào các chậu bê tông, làm không xuể , anh Nghĩa phải thuê thêm 3 lao động nam khác.
Đưa cây đào vào chậu cần phải có sự khéo léo và con mắt quan sát của nhà nghề, làm sao thế đào được "khoe" đẹp nhất.
Hai lao động có nhiệm vụ chuyển các chậu cây cảnh ra vườn, xúc xỉ than đổ xuống đáy chậu, vận chuyển đất thành từng đống rải rác khắp vườn để lấp đầy các chậu khi đưa cây vào. Trong khi đó anh Nghĩa và một người khác có nhiệm vụ đưa đào vào chậu, bằng kinh nghiệm và con mắt nhà nghề để cây đào "khoe" dáng đẹp nhất có thể.
Trong suốt vụ hoa, các lao động sẽ chịu trách nhiệm tưới tắm, chăm sóc và vận chuyển hoa ra xe cho khách đã chọn mua.
"Công việc cũng khá nặng nhọc, đêm mấy anh em phải thay nhau thức để canh hoa nên tôi hầu như ăn ngủ tại vườn cho đến chiều ngày 30 Tết. Ngoài việc được bao ăn ngày 3 bữa, tôi được trả công 250 nghìn đồng/ngày. Nếu hàng bán hết sớm chúng tôi sẽ được thưởng thêm.
Năm qua do dịch Covid-19, tôi cũng không có tiền tích lũy để sắm Tết nên khoản tiền công này sẽ dành mua thịt cá, bánh kẹo và sắm cho các con bộ quần áo mới", anh Tâm - 1 lao động thời vụ tại vườn đào cho hay.
Hoàng Lam - Theo Dân Trí