Lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

12/08/2023 09:01

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 945/QĐ-TTg ngày 11/8/2023 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Tổ công tác).

Ảnh minh họa. (Nguồn: lsvn.vn)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang là Tổ trưởng Tổ công tác.

Tổ phó Tổ công tác là: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Tổ phó thường trực); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Các thành viên Tổ công tác gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp.

Nhiệm vụ của Tổ công tác

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội; phối hợp công tác với Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 829/NQ-UBTVQH15 ngày 20 tháng 7 năm 2023.    Tổ công tác thường xuyên theo dõi tình hình triển khai thực hiện, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thường trực Tổ công tác với các bộ, cơ quan liên quan và với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình rà soát, tổng hợp và xử lý kết quả rà soát, xây dựng Báo cáo của Chính phủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Tổ công tác phải kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 9 năm 2023 để kịp thời xin ý kiến Quốc hội những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Chế độ làm việc của Tổ công tác

Tổ công tác làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; các thành viên Tổ công tác hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm; chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công.

Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Tổ công tác, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ khi ký các văn bản chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ phó thường trực Tổ công tác và các Ủy viên Tổ công tác sử dụng con dấu của bộ, cơ quan mình khi ký các văn bản để thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Bộ Tư pháp là Cơ quan thường trực Tổ công tác, sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác./.

Phạm Duy - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/lap-to-cong-tac-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-ra-soat-he-thong-van-ban-quy-pham-phap-luat-d197307.html