'Liều thuốc' đặc trị bệnh chạy chức chạy quyền

08/10/2019 10:39

Kinhte&Xahoi Bộ Chính trị ngày 23/9 ban hành Quy định 205/QĐ-TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được những góc tối nhất và nhức nhối nhất tồn tại suốt nhiều năm trong công tác cán bộ.

Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII từng chỉ rõ: “Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân… xảy ra ở một số nơi”.

Quy định 205 được ví như liều vắc-xin hữu hiệu trong công tác kiểm soát quyền lực và chống “chạy chức, chạy quyền”, qua đó cơ bản bịt kín những khe hở cho những tiêu cực phát sinh.

Thực trạng nhức nhối

Thời gian gần đây dư luận lo ngại bức xúc về tình trạng điều động, bổ nhiệm cán bộ có nhiều khuất tất tại một số bộ, ngành, địa phương. Những câu chuyện về bố bổ nhiệm con, anh bổ nhiệm em, chồng bổ nhiệm vợ... diễn ra tại một số nơi, gây nên hiện tượng “cả họ làm quan” trong cục bộ một số địa phương, đơn vị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đặt vấn đề: “Tại sao dư luận cứ nói rằng “thứ nhất quan hệ, thứ hai tiền tệ, thứ ba hậu duệ và cuối cùng mới là trí tuệ”?”. Phát biểu tại hội nghị về tổng kết công tác xây dựng Đảng diễn ra vào đầu năm 2018, Tổng Bí thư một lần nữa nêu câu hỏi: “Chạy chức, chạy quyền”, tệ tham nhũng đã chi phối tới nhiều khâu trong công tác cán bộ. Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Để Đảng ta ngày càng xứng đáng với vai trò to lớn mà lịch sử và nhân dân đã giao phó, Người luôn căn dặn: Đảng phải thường xuyên giáo dục đảng viên và cán bộ, phải cố sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, để cho Đảng càng mạnh khỏe. Cách chữa những khuyết điểm, sai lầm ấy là bài thuốc “tự phê bình và phê bình”, bởi theo Người, “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Chỉ có mạnh dạn thừa nhận khuyết điểm, tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm, như thế mới trở thành một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chân chính. 

Thực hiện theo di nguyện của Người, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương (BCHTW) Khóa XII đã thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm: “Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội…”.

Nhìn nhận rõ nguyên nhân, thời gian gần đây, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm bịt kín các kẽ hở trong công tác cán bộ. Đó là Quy định 102/QĐ-TW về xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật; Quy định 08-QĐi/TW quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCHTW... 

Với Quy định 205/QĐ-TW, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã giải thích một cách rất cụ thể về các biểu hiện của hành vi “chạy chức, chạy quyền” cũng như các hành vi bao che nạn “chạy chức, chạy quyền”. Đặc biệt, một trong những điểm nhấn nổi bật của Quy định là đề cao trách nhiệm của người đang được xem xét, thực hiện các quy trình trong công tác cán bộ cũng như người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây được coi là điểm then chốt để kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức chạy quyền”.

Cụ thể những hành vi vi phạm

Nếu như trước kia, khi xử lý hành vi lạm dụng quyền lực, “chạy chức, chạy quyền”... một số cán bộ có chức trách thường lợi dụng sự chưa rõ ràng trong các văn bản để bao che đối tượng vi phạm; thậm chí với những vi phạm đã đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn giữ lại để xử lý hành chính, thì đến nay Quy định 205 đã khắc phục những điểm này. 

Bộ Chính trị nêu rõ: Hành vi “chạy chức, chạy quyền” là việc “Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi”; là “Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật…để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi”…

“Tại sao Trung ương lại có Quy định này? Vì từ thời đổi mới đến nay, chúng ta đã qua 5 lần chỉnh đốn Đảng, dù có kết quả nhưng chưa như mong muốn. Đặc biệt là sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, BCHTW, Bộ Chính trị làm rất mạnh, tuy vậy vẫn chưa đẩy lùi được tệ tham nhũng. Với Quy định lần này, chúng ta sẽ quyết liệt hơn nữa, đem lại kết quả cao hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa- xã hội, nói.

“Để thực hiện cho được Quy định này thì tôi thấy cần quán triệt tư tưởng của Bác, đó là “có dân là có tất cả”; dân có tham gia vào thì mới hạn chế và đẩy lùi được tiêu cực, tham nhũng… Mong rằng tất cả cấp ủy phải quán triệt dân là gốc, dân phải tham gia vào giám sát. Đặc biệt, trong công tác cán bộ, nhất là việc thực hiện các quy trình về nhân sự phải được công khai để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, ông Túc nói.

(Còn tiếp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus