Linh thiêng chuyện người lính Hà Nội một mình phá kho đạn vùng biên năm 79

18/02/2019 14:31

Kinhte&Xahoi Dự cảm có thể con phải nằm lại nơi biên cương Tổ quốc, bà Thịnh lên thăm con vài lần trước khi cuộc chiến nổ ra và lúc nào bà cũng căn dặn con phải giữ mình, dù biết chiến tranh là mất mát... Rạng sáng 17/2/1979, anh Trần Ngọc Sơn đã dũng cảm hy sinh khi xung phong cảm tử phá kho vũ khí, tiêu diệt 70 tên xâm lược.

Đúng ngày này 40 năm trước, khi gà vừa cất tiếng gáy sáng, nhiều cánh quân từ Trung Quốc tấn công ồ ạt vùng biên Việt Nam. Giữa đạn pháo ác liệt, những người lính cụ Hồ quả cảm đẩy lùi quân bành trướng, dùng máu mình giữ từng tấc đất vùng biên Lao Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái, Mường Khương thân yêu...

Nhiều tấm gương anh dũng ngã xuống.

Kỷ vật còn lại chỉ là chiếc khăn tay

Tại nhà của liệt sĩ Trần Ngọc Sơn ở phố Nguyễn An Ninh, Hà Nội, bà Phạm Thị Tịnh, năm nay đã hơn 80 tuổi, sống cùng cháu nội. Tóc bà bạc trắng và khuôn mặt lúc nào cũng trầm tư.

Kỷ vật anh Sơn để lại cho mẹ hầu như không có gì, chỉ còn lại một chiếc khăn tay được tặng trong một đợt thi đua. Nhiều lá thứ Sơn viết gia đình đã cho một nhà báo mượn...

Kỷ vật còn lại của liệt sĩ Trần Ngọc Sơn là chiếc khăn tay

Bà Thịnh nhớ lại: Khi tình hình biên giới phía Bắc đang nóng lên từng ngày, Sơn đã viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội và nhập ngũ vào ngày 20/5/1978. "Lúc đó con tôi chưa tròn 18 tuổi (SN 28/8/ 1960) nhưng hăng hái lắm. Bố mẹ đều đồng ý cho Sơn nhập ngũ. Dù lúc đó Sơn học rất giỏi và chúng tôi cũng muốn cho con theo học đại học song đất nước thời chiến, bút nghiên phải xếp lại để dành cho việc chung”, bà Thịnh chia sẻ.

Huấn luyện thời gian ngắn, anh Sơn được phân công về đơn vị. Bà Thịnh lên thăm con đang đóng quân ở khu vực của khẩu Đông Đăng, Lạng Sơn. Bà bồi hồi: “Nhìn nơi con đóng quân, địa hình hiểm trở, hai bên chia nhau một ngọn đồi. Tôi dặn con tôi rằng phải cẩn thận giữ mình, dù biết chiến tranh khó giữ được tính mạng. Con tôi vẫn tươi cười, quyết tâm, nói 'con thà hy sinh chứ không để quân xâm lược xâm phạm tới lãnh thổ nước ta. Mẹ cứ yên tâm công tác, chiến tranh kết thúc con sẽ về”.

Dự cảm có thể con phải nằm lại ở biên cương Tổ quốc, bà lên thăm con vài lần trước khi cuộc chiến nổ ra và lúc nào bà cũng căn dặn con phải giữ mình. Hòa bình đứt gãy, rạng sáng 17/2/1979, cuộc chiến ác liệt bắt đầu.

Bà Thịnh luôn nhớ người con trai yêu quý của mình

Hi sinh đúng ngày đầu cuộc chiến

Quân của tướng hiếu chiến Hứu Thế Hữu xâm nhập vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam rất mạnh. Trần Ngọc Sơn lúc đó là binh nhất, tiểu đội phó C16 công binh, E12, F3, QĐ14, QK1, cùng anh em trong đơn vị cầm cự. Nhưng địch được pháo binh yểm trợ bắn phá dữ dội vào trận địa ta, sau đó dùng lực lượng bộ binh tiến công chiếm trận địa chốt của đại đội.

Nơi quân Trung Quốc chiếm giữ có một kho vũ khí của Việt Nam, nếu để lọt vào tay địch là rất nguy hiểm nên chúng ta quyết định phá bỏ kho vũ khí đó. Trần Ngọc Sơn nhận nhiệm vụ mà ai cũng biết rằng “có đi nhưng không có ngày về”.

Một mình trong làn mưa đạn, pháo, Trần Ngọc Sơn chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, biết cơ động, nghi binh, khi dùng lựu đạn, khi dùng tiểu liên bắn.

Anh bị thương vẫn tiếp tục ở lại chiến đấu, Trần Ngọc Sơn chờ địch đến gần kho vũ khí mới ném quả lựa đạn cuối cùng cho phá hủy kho vũ khí. Tiếng nổ lớn vang động cả trận địa. Sơn anh dũng hy sinh và diệt 70 tên địch trong ngày đầu của cuộc chiến.

Tâm gương quả cảm của liệt sĩ Trần Ngọc Sơn thúc giục tinh thần toàn quân dân ta trong cuộc chiến, anh được phong tặng Anh Hùng lực lượng vũ trang ngay sau đó (20/2/1979) và Huân chương Quân công hạng 3. Câu chuyện của anh được lưu giữ trong Bảo tàng quân sự Việt Nam và cũng là động lực để quân dân ta tiếp tục phản công giành thắng lợi cuối cùng.

Liệt sĩ Trần Ngọc Sơn

Bà Thịnh chia sẻ, sau khi nhận tin con trai hi sinh, bà bị trầm cảm, tổn thương nhiều cho dù bà biết rằng sự mất mát trong cuộc chiến là điều không thể tránh khỏi. Bà đã nhiều lần lên thăm lại trận địa cũ, nơi con nằm lại, chỉ đến đã yếu, bà không lên được nữa. Thi thể liệt sỹ Sơn không còn nguyên vẹn sau trận chiến, chỉ còn vài nắm đất tại địa danh trận đánh mang về quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội vào năm 2009.

Theo cảm xúc tâm linh, bà Thịnh cho rằng con trai bà “đã về” hai lần và trò chuyện với bà. Bà tin đó là sự thật vì câu chuyện quá gần gũi, thân thương.

Ảnh hưởng lớn từ người chú “xạ thủ A72”

Thủa nhỏ, anh Sơn sống ở quê, huyện Phú Xuyên, vì Hà Nội bị bom đạn phá, học cấp 2 mới chuyển lên Hà Nội. Cả tuổi thơ Sơn được gia đình chú và cụ nội chăm sóc, bởi thế nên anh ảnh hưởng lớn từ người chú.

Chú của Sơn là xạ thủ A 72, ông Trần Văn Xuân, từng tiêu diệt 8 máy bay Mỹ, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978.

Ông Xuân là cựu sinh viên đại học Thủy Lợi. Khi mới lên đường nhập ngũ, ông nhận bảng điểm với kết quả 4 năm tiên tiến. Vào năm 1973, khi đang ở chiến trường Đông Nam Bộ, bố đẻ ông Xuân được gọi lên trường nhận bằng Tốt nghiệp đại học đặc cách.

Ông Xuân cho biết sau khi nhập ngũ, Sơn có viết thư cho ông khi đó đang ở Đà Nẵng kể chuyện đời lính mới, thấu hiểu gian khổ của người lính và coi chú là tấm gương lớn trước khi đi vào cuộc chiến phía trước. “Sơn nó không làm thì thôi, nhưng khi làm gì nó quyết tâm làm bằng được. Nó rất mạnh mẽ, cương nghị”, ông Xuân hồi tưởng về người cháu mà ông coi như con ruột.

Ông Xuân bây giờ đã về hưu, nhưng luôn tự hào là gia đình ông có hai chú cháu đều được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân chỉ cách nhau có 1 năm.

Theo trian.vn/ Hoa nhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM