Lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ đã nhiều lần làm việc với cán bộ lãnh đạo ngành Y tế, quan tâm, động viên, thăm hỏi đội ngũ thầy thuốc, khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong bức thư Bác đã căn dặn: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.
Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6/1953, Bác Hồ nêu rõ: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân.
Người nhấn mạnh: “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Thực hiện theo lời dạy của Người, các thầy thuốc phải có lương tâm và nghĩa vụ cao cả như của người mẹ hiền đối với bệnh nhân. Có thể nói, lương tâm với người bệnh là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc.
Ngày 31/7/1967, trong bức thư khen cán bộ, nhân viên Quân y, Bác Hồ viết: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khoẻ của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Đây cũng là bức thư cuối cùng Người viết gửi ngành Y tế nước ta.
Theo Bác, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài. Vì vậy, đội ngũ thầy thuốc, về chuyên môn, cần thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề… thi đua học tập, thi đua công tác”.
Hơn nữa, người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại. Cụ thể, yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất.
Trong bài “Sức khỏe và thể dục”, Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khoẻ của nhân dân là yếu tố quyết định tới sự thịnh, suy hoặc sự hưng vong của đất nước: “Dân cường thì quốc thịnh”.
Ngay từ năm 1946, khi đất nước đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra quan niệm về sức khoẻ rất toàn diện, Người viết: “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ”.
Bác Hồ với các bác sĩ ngành Quân y (năm 1954). Ảnh tư liệu.
Trong ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức Hội nghị cán bộ ngành Y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư căn dặn ba điều:
Thứ nhất, trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Thứ hai, thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
Thứ ba, xây dựng một nền y học của ta - Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng.
Với ý nghĩa sâu sắc của bức thư này nên ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã đưa ra quyết định ngày 27/2 hàng năm là Ngày thầy thuốc Việt Nam. Vì vậy, ngày 27/2 hàng năm chính là Ngày thầy thuốc Việt Nam và vẫn duy trì cho đến tận ngày nay.
Ngày 27/2 là ngày nhằm nêu cao trách nhiệm và tài trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Là ngày tôn vinh các y, bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành Y tế.
Hoa Tiên - Pháp luật Plus