Luật Cư trú năm 2020 chính thức có hiệu lực: Bước đột phá
Kinhte&Xahoi
Luật Cư trú năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ 1/7, đây có lẽ là một trong những thông tin nhận được nhiều sự quan tâm của người dân những ngày qua, bởi các quy định của Luật đều gắn chặt với cuộc sống của từng gia đình. Từ việc những điểm mới liên quan đế việc đăng ký thường trú, tạm trú, thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú... đến bỏ điều kiện riêng khi nhập khẩu vào các TP trực thuộc T.Ư như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Đối chiếu thẻ căn cước công dân với sổ hộ khẩu tại công an TP Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Trong rất nhiều những quy định mới của Luật, việc chuyển đổi phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu giấy sang hồ sơ điện tử là câu chuyện được nói đến nhiều nhất. Bởi cuốn sổ hộ khẩu, ngoài việc giúp cơ quan Nhà nước, quản lý cư trú và di - biến động về dân cư, còn là loại giấy tờ gắn với từng người, từng gia đình trong gần 70 năm qua với một “quyền năng” không nhỏ; là yêu cầu bắt buộc trong không ít các thủ tục hành chính thông thường mà hầu hết các gia đình đều ít nhiều cần đến.
Với quy định mới của Luật, từ ngày 1/7, công an sẽ dừng cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy. Các sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cũ, rách hoặc bị mất cũng sẽ không được cấp lại. Toàn bộ thông tin về hộ khẩu và cư trú của người dân được cập nhật lên cơ sở dữ liệu cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức vận hành từ ngày 1/7. Khi người dân có thay đổi thông tin về cư trú (đăng ký thường trú, tạm trú, tách nhập hộ khẩu...), công an thu hồi sổ hộ khẩu đã cấp và cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu. Những sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp nếu không có thay đổi thông tin vẫn có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2022.
Có thể nói, ở một phương diện nào đó, cuốn sổ hộ khẩu giấy đã “khép” lại sứ mệnh của mình. Nhưng bỏ sổ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ quản lý dân cư, chỉ là thay đổi phương thức quản lý hiện đại và phù hợp hơn. Với việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân, sẽ giúp bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đăng ký thường trú, tạm trú. Còn theo phân tích của các chuyên gia, bỏ hộ khẩu giấy, sẽ giảm đến hàng nghìn thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin cơ bản về công dân hoặc xuất trình, nộp bản sao. Như nhiều ý kiến nhận định, đây chính là bước đột phá, tạo những bước tiến mới, vững chắc trên nền tảng công nghệ thông tin. Việc quản lý cư trú theo bằng số định danh sẽ bảo đảm được sự minh bạch, công khai, góp phần hạn chế sự sách nhiễu, lạm quyền, tạo thuận lợi cho người dân và phù hợp sự phát triển của xã hội.
Để chuẩn bị cho bước chuyển này, rất nhiều công việc đã được triển khai, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ cấp mã số định danh cho mỗi công dân, xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với sự nỗ lực của các ngành, là sự ủng hộ của người dân để quy định khả thi trong thực tiễn. Tại Hà Nội, Công an TP đã chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để tham gia tốt vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, công dân khi tới làm thủ tục hành chính ở cơ sở chỉ cần mang giấy tờ cần thiết, căn cước công dân, đã có thể tra cứu dữ liệu và hoàn thành nhanh gọn các yêu cầu.
Tuy vẫn còn những băn khoăn, bỡ ngỡ trước một quy định mới nhưng điều này phù hợp sự phát triển, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ số đang ngày càng đi sâu vào đời sống hàng ngày của người dân. Nếu không bị ràng buộc bằng sổ hộ khẩu, nếu chỉ cần mã số định danh, có thể đi lại bất cứ đâu theo yêu cầu cuộc sống, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân.
Hà Bình - Theo KTĐT