Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, 8h00 sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau khi biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các nội dung này, có 124 ý kiến phát biểu tại 19 tổ, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã để bổ sung, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống các thành viên của tổ chức kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 10/11
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhận thấy, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị công phu, có những điểm mới khác so với Luật Hợp tác xã năm 2012.
Về thành lập Liên đoàn Hợp tác xã, đại biểu cho rằng cần có một điều luật cơ bản trong Dự thảo luật lần này để thể chế hóa, căn cứ pháp lý việc thành lập và phát triển các Liên đoàn hợp tác xã, trên cơ sở đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Thứ hai, theo đại biểu Tráng A Dương, liên đoàn hợp tác xã là mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới phát triển rất mạnh, vừa là tổ chức kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ hỗ trợ thành viên, vừa là hoạt động như một tổ chức đại diện của một ngành lĩnh vực trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng.
Đại biểu cho rằng, việc tổ chức mô hình liên đoàn ở các vùng, các cấp là thể hiện sự tham gia liên kết giữa các thành viên của mỗi liên đoàn đến nhiều địa phương trong vùng cũng như nhiều vùng trong cả nước. Hoạt động của các liên đoàn này cũng như các hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế hợp tác không hợp giới hạn về không gian và địa lý. Các tổ chức kinh tế hợp tác có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tùy theo nhu cầu và năng lực của mình.
Thứ ba, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều các tổ chức hợp tác có quy mô lớn, tuy nhiên các tổ chức này hoạt động trên phạm vi cả nước đang gặp rất nhiều hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành như về biểu quyết, tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên, quỹ sử dụng không không chia và tài sản không chia. Ngoài ra, đại biểu Tráng A Dương cho rằng, Chính phủ cũng nên giao cho liên minh hợp tác xã nghiên cứu đề xuất quy định thành lập tổ chức hoạt động và nội dung, phương pháp, tổ chức phối hợp với liên đoàn hợp tác xã được thể hiện tại Nghị quyết số 34 Chương trình hành động của Chính phủ và Kết luận 70 của Bộ Chính trị.
Thứ tư, việc thành lập mô hình liên đoàn hợp tác xã trên cơ sở các hợp tác, liên hiệp hợp tác xã tự nguyện thành lập, Nhà nước không mất kinh phí trong việc thành lập, tạo hành lang pháp lý rõ ràng định hướng cho các tổ chức kinh tế hợp tác xã phát triển, quy định mô hình mới để đảm bảo chính sách n\Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển.
ĐBQH Trần Thị Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định)
Đại biểu Trần Thị Hiền tán thành việc sửa đổi Luật Hợp tác xã hiện hành để đáp ứng yêu cầu thực tế, trong đó hợp tác xã là trọng tâm. Theo đại biểu, tên gọi rất quan trọng nhưng không phải tất cả, nhưng quan trọng nhất vẫn là nội dung phải làm sao tạo được động lực để hợp tác xã phát triển chứ không phải vì tên gọi đơn thuần. Do đó, đại biểu nhất trí giữ tên gọi như hiện hành là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Rà soát chính sách hỗ trợ hợp tác xã hoạt động
Tại kỳ họp này, Quốc hội đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Đất đai. Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) đề nghị nghiên cứu sửa đổi các luật trên cần có quyết định ưu tiên đối tượng là hợp tác xã trong đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, tạo điều kiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác được nhận chuyển nhượng, thuê đất để đầu tư cơ sở chế biến logistic, phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn theo chuỗi giá trị, xây dựng cụm công nghiệp chế biến, trung tâm hỗ trợ phát triển hợp tác xã...
Quang Vũ - Pháp luật Plus