Luyện quân giữa biển trời Tổ quốc
Kinhte&Xahoi
Cán bộ chiến sĩ ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân và 15 nhà giàn DK1 đang thi đua sôi nổi bước vào mùa huấn luyện mới với tinh thần: “Vui xuân mới vững tay súng”, “vượt nắng thắng gió”, “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”; quyết tâm bảo vệ vững chắc Trường Sa và những “cột mốc sống” thiêng liêng trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Chiến sĩ “pháo đài thép” luyện tập điều lệnh đội ngũ tay không.
Mùa xuân luyện quân
Sáng 15/2, 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân ngoài quần đảo Trường Sa đã đồng loạt tổ chức ra quân huấn luyện với phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc đảo, vùng biển được phân công, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện làm mục tiêu và phát động đợt thi đua “Huấn luyện giỏi, chính quy, an toàn, làm chủ”.
Có mặt tại đảo Trường Sa Lớn ngày đầu luyện quân giữa biển trời Tổ quốc, chúng tôi cảm nhận được không khí tấp nập, khẩn trương của một mùa huấn luyện rèn quân giữa mùa xuân ngập tràn phấn khởi. Sau nghi thức Lễ ra quân huấn luyện bên cột mốc chủ quyền, dưới nắng vàng như rót mật, khẩu đội 12,7 ly đang “căng mắt” với bài tập bắn mục tiêu tàu đổ bộ từ biển xa.
Thêm một mùa huấn luyện ở “quần đảo bão tố”, những chiến sĩ “áo vằn cánh sóng đều rất phấn khởi”. Một mặt dư âm mùa xuân vẫn còn đọng trong lòng lính trẻ.
Cũng như Trường Sa Lớn, đảo nổi Trường Sa Đông những ngày này đang tất bật luyện tập cho ngày “hội quân”. Ngoài luyện tập đội ngũ, các bài võ thể dục tay không, cán bộ, chiến sĩ còn rèn luyện thể lực đẩy tạ, co tay xà đơn và các bài bắn “chuyên biệt quân sự” như ngắm bắn mục tiêu bộ binh mặt biển, đối không.
Trung tá Hoàng Văn Phước, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông cho hay: “Muốn bộ đội thuần thục động tác yếu lĩnh chiến đấu thì phải huấn luyện vững chắc, để bộ đội có bản lĩnh chiến đấu gan dạ kiên cường, dũng cảm, chịu đựng cam go, vượt qua thử thách thì phải rèn luyện. Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường mới bớt đổ máu. Càng những nơi khó khăn, gian khổ, càng coi trọng huấn luyện”.
Lần đầu tiên bồng súng đi đều chuyển bước tiếp lệnh giữa nắng gió Trường Sa Lớn, chàng lính trẻ quê gốc Đô Lương, Nghệ An - Binh nhất Trần Đức Kiên luôn tự hào hãnh diện vì được góp sức trẻ của mình cho Trường Sa. Kiên bảo: “Là người con xứ Nghệ, em muốn ra Trường Sa để thỏa sức mình. Truyền thống quê hương, sự trau dồi rèn luyện đã giúp em trưởng thành”.
“Tăng tốc” giữa biển khơi
Nằm trong “chiến tuyến” canh biển, giữ trời, cán bộ chiến sĩ ngoài 15 “pháo đài thép” cũng đang “tăng tốc” cho mùa xuân huấn luyện mới với những “khoa mục” huấn luyện chuyên biệt của lính “đầu đội trời, chân đạp sóng”.
Từ Nhà giàn DK1/7, Thiếu úy Nguyễn Hùng Cường, Chính trị viên cho biết, sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Nhà giàn đã nhanh chóng tổ chức huấn luyện các phương án bảo vệ, bắn mục tiêu trên không, mặt biển, rèn luyện sức khỏe, đẩy mạnh tăng gia trồng rau xanh, câu cá phục vụ đoàn kiểm tra trước ngày “hội quân”.
“Chúng tôi coi đây là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020. Thời tiết hiện tại ở Nhà giàn DK1 nắng như đổ lửa từ sáng đến chiều tối, song với tinh thần “vui xuân mới không quên nhiệm vụ”, “mùa xuân tăng tốc”, chúng tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Thiếu úy Cường cho biết thêm, Chi bộ Nhà giàn này đã tổ chức xong Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022, cán bộ, chiến sĩ vui vẻ, phấn khởi sẵn sàng bước vào mùa huấn luyện mới với phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc đồng bộ, chuyên sâu; huấn luyện đến đâu vững chắc đến đó, lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo làm mục tiêu huấn luyện”.
Thêm một mùa xuân “gác biển” ở “pháo đài thép”, người lính trẻ đeo quân hàm Trung úy chuyên nghiệp Thái Văn Hầu luôn quan niệm rằng, để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc vững chắc trong thời bình, phải tăng cường huấn luyện, cọ xát thực tế. Qua huấn luyện để rèn luyện bản lĩnh chiến đấu và tác phong nhanh nhẹn cơ động của bộ đội.
Nằm “múi biển” xa nhất của đất nước, DK1/10 được coi là Nhà giàn “góc biển cuối trời”. Nhà giàn DK1/10 là nhà giàn thế hệ cũ, tức là nhà giàn “một thân”. Cứ đầu xuân hằng năm, Nhà giàn “đón” hàng chục máy bay trực thăng từ sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) bay huấn luyện “cất, hạ cánh, bay biển” từ đất liền ra Nhà giàn.
“Để bảo đảm an toàn, chống trượt cho máy bay hạ cánh an toàn, chúng tôi tổ chức hạ các thiết bị dây ăng ten thu phát sóng, cột cờ. Các thiết bị dây điện đài cũng thu dọn để rải lưới chống trượt, với mục đích an toàn cho máy bay hạ cánh”, Trung úy Tiến chia sẻ.