“Miếng bánh” kinh tế của các cơ quan báo chí bị chia nhỏ
Kinhte&Xahoi
Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm về thực trạng hiện nay.
Ngày 16-3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024, đã diễn ra buổi thảo luận chuyên đề “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm (thứ ba từ trái qua). Ảnh: Lê Toàn
Tại buổi thảo luận, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, nguồn thu báo chí đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí hiện nay.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, nếu các cơ quan báo chí chỉ trông chờ vào quảng cáo sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, bởi hiện nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng mạnh sang quảng cáo trên các nền tảng internet, mạng xã hội… Trong khi đó, nhiều trang tin, mạng xã hội lấy nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các tờ báo cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến “miếng bánh” kinh tế của các cơ quan báo chí bị chia nhỏ ra.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm thừa nhận, việc các cơ quan báo chí gặp khó khăn trong hoạt động kinh tế báo chí có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh, kịp thời.
Là cơ quan báo chí rất thành công trong hoạt động kinh tế báo chí, nhà báo Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long (THVL) cho biết, thời gian qua, THVL đã đẩy mạnh xã hội hóa trong việc sản xuất các chương trình truyền hình, đặc biệt mảng phim truyện. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức sản phẩm truyền hình của khán giả. Việc thu hút được khán giả xem truyền hình cũng giúp đài có nguồn thu ổn định.
Nhà báo Lê Thanh Tuấn cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông có sự linh động trong việc không khống chế thời lượng quảng cáo trong các chương trình của các đơn vị báo chí nhằm giúp thu hút nguồn thu. Bên cạnh đó, cho phép thu phí người dùng thông qua trả tiền thuê bao. Đồng thời, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí.
Đồng tình với ý kiến trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng đề xuất các chính sách cụ thể như: Miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tạo thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tương tác của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội…
Về hướng đi dài hạn, cơ quan quản lý và cơ quan báo chí cần xây dựng cơ chế thông thoáng nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động báo chí; đa dạng hóa phương thức tiếp cận độc giả, khán giả; chuyển đổi số mạnh mẽ để tối ưu hóa mô hình tòa soạn…
Nguyễn Lê - Hà Nội mới