Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho NLĐ

24/08/2018 09:05

Kinhte&Xahoi Theo kế hoạch, trong tháng 9 tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) sẽ thông tin trên website để lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) về những nội dung dự kiến sẽ sửa đổi trong Bộ luật Lao động lần này.

Do Bộ luật Lao động hiện hành có những nội dung quy định gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động của nhiều doanh nghiệp, cũng như chưa đảm bảo hết các quyền lợi của người lao động… nên Bộ LĐ-TB-XH đang được Chính phủ giao soạn thảo Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi để trình Quốc hội xem xét vào năm tới.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho biết, Bộ Luật Lao động sửa đổi vẫn sẽ giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động năm 2012 như quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động (NLĐ), tổ chức đại diện của người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động, quản lý nhà nước về lao động.

Bộ Luật Lao động sẽ duy định rõ ràng các yếu tố để xác định mức lương tối thiểu nhằm bảo đảm công bằng trong việc trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động

Để đạt được các mục tiêu sửa đổi Bộ luật Lao động như đã đặt ra ở trên Bộ LĐ-TB-XH đã tiến hành xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá tác động với sự đóng góp, tham gia của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau. Theo đó, 08 nhóm chính sách lớn bao gồm cụ thể như sau:

Chính sách 1: Quy định rõ ràng các yếu tố để xác định mức lương tối thiểu nhằm bảo đảm công bằng trong việc trả lương giữa NLĐ và NSDLĐ và nâng cao được tính minh bạch trong việc xác định về mức lương tối thiểu và giải quyết khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn về việc xác định tiền lương tối thiểu.

Chính sách 2: Tạo sự linh hoạt cho NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận để quyết định xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động; hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào quan hệ của các bên trong thị trường lao động

Chính sách 3: Mở rộng khung thoả thuận giữa NSDLĐ và NLĐ về thời giờ làm thêm và nâng cao thu nhập của NLĐ khi làm thêm giờ

Chính sách 4: Đảm bảo quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho NLĐ và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức bằng việc mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho NLĐ.

Chính sách 5: Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành BLLĐ đối với chế định hợp đồng thử việc, đặc biệt nhằm hạn chế việc lạm dụng hợp đồng thử việc của NSDLĐ để cắt giảm các quyền lợi của người lao động; Đảm bảo tính khả thi trong thực tế áp dụng và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, NLĐ trong tuyển dụng, làm việc, quản lý và sử dụng lao động.

Chính sách 6: Bảo đảm quyền tự do việc làm của NLĐ sau độ tuổi nghỉ hưu hiện hành, tận dụng nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm và bảo đảm cân đối dài hạn Quỹ hưu trí, tử tuất

Chính sách 7: Tăng cường năng lực hoạt động của thanh tra lao động nhằm bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của NLĐ tại nơi làm việc bằng việc bổ sung thẩm quyền của cơ quan thanh tra lao động.

Chính sách 8: Hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, đảm bảo quyền, lợi ích của NLĐ, NSDLĐ -xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Bộ Luật Lao động sẽ bảo đảm quyền tự do việc làm của người lao động sau độ tuổi nghỉ hưu hiện hành.

Luật sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính tăng cường khả năng nhận diện các quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng"lách" các quy định của pháp luật lao động, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động (người lao động làm việc theo các hình thức liên kết liên doanh với các doanh nghiệp công nghệ số như Uber, Grab…) nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh chính sách mới.

Theo kế hoạch, trong tháng 9 tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ thông tin trên website để lấy ý kiến rộng rãi các DN và NLĐ về những nội dung dự kiến sẽ sửa đổi trong Bộ luật Lao động lần này.

Theo Người lao động/hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM