Ảnh minh họa
Ngày 11/1, tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về trẻ em, nhiều vấn đề về trẻ em được nêu ra rất đáng quan tâm. Số vụ việc trẻ em, người vị thành niên vi phạm pháp luật trong năm 2023 tăng 14%. Ngoài các nguyên nhân cũ, đáng lưu ý, có nguyên nhân từ nội dung độc hại trên các nền tảng mạng xã hội.
Thời đại bùng nổ mạng xã hội trên nền tảng internet đã và đang tạo ra nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ đối với chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Chúng ta có thể nhìn nhận ra nguy cơ trên trong mỗi gia đình. Để “quản lý” trẻ em, một số bậc bố mẹ “vứt” cho con điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính, tùy con thoải mái chơi. Từ “thói quen” này của các bậc phụ huynh diễn ra từ thành thị đến nông thôn, dẫn đến thực trạng là số trẻ em bị rối loạn tâm trí, nghiện game, nghiện mạng xã hội, sa lầy vào thế giới ảo ngày càng tăng.
Đi liền với thực trạng ấy, hệ lụy là trẻ em ngày càng bị bắt nạt trực tuyến, lừa gạt, dụ dỗ, xâm phạm sức khỏe tính mạng, hoặc bị lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật theo các video bạo lực, khiêu dâm. Những cạm bẫy từ internet, mạng xã hội, cứ thế ngày càng đưa đến nhiều vụ việc đau lòng.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (ngày 20/2/1990). Từ đó đến nay, rất nhiều văn bản được Đảng, Nhà nước ban hành với những quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em, thể hiện trách nhiệm, nhận thức của Nhà nước trong quá trình hiện thực hóa việc bảo vệ trẻ em.
Đáng tiếc, sự phát triển quá nhanh và mạnh của internet, của các thiết bị công nghệ khiến một số quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta nhanh chóng “lạc hậu”, thiếu đồng bộ. Một số quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ trẻ em còn thiếu, chưa đủ “sức nặng” để thực hiện...
Về mặt công nghệ, hàng rào kỹ thuật phòng ngừa xâm hại cho trẻ em trên môi trường mạng thực sự chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em còn bị xem nhẹ; việc sử dụng interner ở nước ta còn khá dễ dãi, hầu như ai cũng có thể đăng tải những video, hình ảnh, bài viết có nội dung chưa được kiểm chứng kỹ lưỡng lên mạng; nhiều bậc phụ huynh chưa coi trọng việc bảo vệ, phòng tránh xâm hại cho con em mình.
Thực tế này tạo cơ hội cho những kẻ đã lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi đe dọa, lừa đảo, xâm hại với trẻ em. Vì vậy, bảo đảm an toàn cho trẻ em là vấn đề cần phải thực hiện ngay lập tức.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus