Một công văn, tháo gỡ bao vướng mắc
Kinhte&Xahoi
Vấn đề giáo viên hợp đồng không được tuyển vào biên chế dai dẳng nhiều năm nay, xảy ra ở hầu hết các địa phương. Tình trạng này không chỉ được phản ảnh trên báo chí, 'kêu cứu' hộ của giới truyền thông mà còn không ít lần được nêu lên tại diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, tiếng kêu cứu thỉnh thoảng lại vang lên làm lay động dư luận xã hội.
Nhiều giáo viên hợp đồng Hà Nội tại trụ sở tiếp dân UBND TP Hà Nội để gửi đơn kêu cứu trước nguy cơ bị sa thải.
Tại Kỳ họp Quốc hội lần này, vấn đề đó lại một lần nữa đề cập trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ và dường như đã được đáp ứng ngay lập tức bởi Bộ trưởng đã ký một công văn gửi 63 tỉnh, thành trong cả nước đề nghị tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng từ trước năm 2015.
Câu chuyện biên chế của ngành Giáo dục đã “lình xình” từ nhiều năm nay. Thẩm quyền ký hợp đồng với giáo viên thuộc Chủ tịch UBND huyện nên nhiều ông phóng bút ký rồi khi hết nhiệm kỳ, ông mới lên lại “sa thải” và ký tiếp. Vì vậy, mới có tình trạng giáo viên đứng lớp thiếu nhưng vẫn có hàng trăm người thầy phải loại khỏi ngành.
Những giáo viên hợp đồng mất việc không chỉ kêu cứu mà họ còn tiết lộ khoản tiền phải bỏ ra để “chạy” vào ngành và giờ thì “xôi hỏng, bỏng không”, “tiền mất, tật mang”.
Sự tiết lộ lý giải nguyên nhân vì sao các vị có thẩm quyền ra sức ký rồi khi vị khác lên lại “cắt hợp đồng” và ký tiếp. Nếu cần một dẫn chứng về tham nhũng biên chế thì đây là một thực tế khó chối cãi. Như tại Đắk Lắk, huyện Krông Pắk có 500 giáo viên hợp đồng mất việc kiện trường, họ tố cáo phải “chung chi” 200 - 300 triệu đồng cho mỗi trường hợp và Công an phải vào cuộc làm rõ.
Trong câu chuyện khá bi hài này còn có một vấn đề nghiêm trọng là “bất tuân thượng lệnh”. Bộ Chính trị đã có chủ trương hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật đối với các giáo viên hợp đồng, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Bộ Nội vụ ra công văn cụ thể hóa chủ trương và sự chỉ đạo của Thủ tướng, thế nhưng, có địa phương vẫn cứ “chấm dứt hợp đồng” với các giáo viên thuộc đối tượng được đặc cách như chưa hề có chỉ đạo gì.
Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa “cắt hợp đồng” với hàng trăm giáo viên là một ví dụ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ phải yêu cầu Hà Nội “nghiêm túc thực hiện” sự chỉ đạo từ Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ là biên chế của một ngành mà đã chứa đủ những cung bậc, trạng thái “hỷ, nộ, ái, ố” như thế đủ hiểu trong lĩnh vực tổ chức cán bộ cần phải thay đổi như thế nào để chấm dứt tình trạng này.
Nay, có một công văn từ Bộ Nội vụ giải quyết ngay những vướng mắc trên. Tin rằng, chỉ một văn bản đó thôi cũng mang lại nhiều niềm vui cho những người thầy mà suýt chút nữa sẽ không được “tri ân” vào thời điểm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã cận kề.