Theo ghi nhận của PV báo Thanh Niên, đến ngày 10.7, nhiều địa phương đã hoàn tất việc chấm thi THPT quốc gia 2019.
Hà Nội, nơi có số bài thi lớn nhất, cũng đã chấm xong và gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT, hoàn tất việc lên điểm vào ngày 10.7. Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết chưa có thống kê về kết quả thi năm nay.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, toàn bộ bài thi của thí sinh tỉnh này đã được chấm xong. Trong đó, ở môn ngữ văn, Nam Định dẫn đầu cả nước về số bài có điểm từ 8 trở lên và số lượng bài thi đạt điểm cao nhất trong toàn quốc, theo số liệu thống kê được tính đến thời điểm này.
Hình minh hoạ (Toquoc.vn).
Cụ thể, Nam Định có tới 574 bài thi ngữ văn đạt từ 8 điểm trở lên, trong đó 22 bài từ 9 điểm trở lên. Nam Định cũng có số bài thi môn ngữ văn đạt điểm từ trung bình trở lên chiếm tỷ lệ cao (89,6%). Tuy nhiên, thí sinh tại địa phương này cũng có 18 bài thi ngữ văn bị điểm liệt (1 điểm trở xuống). Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cho biết đã thực hiện “giám sát đặc biệt” đối với việc chấm thi tự luận môn ngữ văn. Tỉnh này đã chấm kiểm tra lại trên 30% trong 18.039 bài thi môn ngữ văn, trong khi yêu cầu của Bộ GD-ĐT chỉ là tối thiểu 5%.
Ninh Bình cũng đã hoàn tất việc chấm thi và gửi dữ liệu cuối cùng về Bộ GD-ĐT ngày 9.7. Theo một lãnh đạo ban chấm thi tự luận của tỉnh này, điểm cao nhất là 9 điểm và toàn tỉnh có 2 bài thi đạt mức điểm này. Ngược lại, cũng có một số bài điểm liệt. Phổ điểm trung bình từ 5 - 7 chiếm đa số.
Theo Sở GD-ĐT Hải Phòng, chiều 7.7, TP này cơ bản đã chấm xong môn ngữ văn. Trong số 15.747 bài thi ngữ văn đã nhập điểm, có 1 điểm 9; bài đạt điểm 7 trở lên chiếm 12,53%; phổ điểm trung bình từ 5 - 7, đạt tỷ lệ 62,90%; bài có điểm dưới 5 chiếm 24,56%; số bài điểm 0 là 17.
Thông tin với phóng viên Báo điện tử VOV, ông Trịnh Đình Vinh, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi tỉnh Sơn La, Trưởng ban Chấm thi Trắc nghiệm cho biết, tổng số bài thi trắc nghiệm ở tỉnh Sơn La là 30.023 bài.
Qua quá trình chấm thi, trong tổng số 30.023 bài thi trắc nghiệm có đến 3% số bài thi của thí sinh bị tô mờ, tô đúp, tô sai mã đề...
Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại những bài thi như trên nên Ban chấm thi Trắc nghiệm của ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã kiểm và sửa tất cả các bài thi đó trong 1 ngày.
Theo ông Trịnh Đình Vinh, những bài thi Trắc nghiệm bị tô mờ, tô đúp, tô sai mã đề của thí sinh tỉnh Sơn La là lỗi bình thường, chứ không phải là lỗi bất thường. Việc chấm thi Trắc nghiệm ở tỉnh Sơn La không có sự cố bất thường nào.
Theo báo điện tử Tổ quốc, thông tin từ các Hội đồng thi tỉnh, trong quá trình chấm thi trắc nghiệm, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 35.000 thí sinh với 102.925 bài thi trắc nghiệm, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại 11.900/102.925 bài thi trắc nghiệm. Để kiểm tra các trường hợp này, đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Thanh Hóa là trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã kiểm tất cả các bài thi này và sửa hơn 1.500 lỗi tô mờ, tô hai đáp án, tẩy chưa hết… Cụm thi này cũng ghi nhận một bài thi trắc nghiệm bất thường và đã lập biên bản.
Tại tỉnh Đắk Lắk có 20.588 thí sinh dự thi với 60.401 bài thi trắc nghiệm, Ban chấm thi trắc nghiệm qua phần mềm chấm thi đã phát hiện sửa lỗi đến hơn 1.450 bài thi.
Tại tỉnh Khánh Hòa có 37.000 bài thi trắc nghiệm, Ban chấm thi trắc nghiệm của trường ĐH Nha Trang cũng đã phải xử lý khoảng 2.000 bài thi có lỗi do phần mềm chấm thi phát hiện.
Nhiều cụm thi khác cũng ghi nhận một số lượng đáng kể các trường hợp bài thi trắc nghiệm bị lỗi như, cụm thi Bình Thuận có hơn 32.000 bài thi trắc nghiệm, Ban chấm thi trắc nghiệm đã phải xử lý khoảng 100 bài thi bị lỗi; tại tỉnh Đồng Nai, có hơn 400/78.100 bài thi có lỗi và đã được chỉnh sửa theo đúng quy chế.