Mùa bùng phát loài kiến “độc tính mạnh hơn rắn hổ mang” ở Hà Nội
Kinhte&Xahoi
Khoảng nửa tháng qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân đến khám mỗi ngày vì các vết lở loét trên da, gây ra bởi kiến ba khoang.
Nhiều người dân tới Bệnh viện Da liễu Trung ương khám bệnh do tiếp xúc với nọc độc của kiến ba khoang.
Kiến ba khoang có độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, phỏng rộp,.. và bệnh này không phân biệt người lớn hay trẻ nhỏ.
Nhiều người dân sống tại các vùng ven đô ở Hà Nội đang phải đối mặt với bệnh viêm da do tiếp xúc với chất độc từ dịch tiết của kiến ba khoang. Nhiều trường hợp, cả gia đình 4 – 5 thành viên phải đi khám bệnh vì tiếp xúc với kiến ba khoang hoặc bị lây dính từ người thân mắc bệnh, từ các vật dụng có dính độc tố của loài kiến này.
Người dân sống ở các vùng ven đô Hà Nội dễ gặp kiến ba khoang hơn.
“Người dân bị viêm da do kiến ba khoang chủ yếu là sống ở các chung cư ngoại thành. Càng ở tầng cao, kiến ba khoang càng nhiều vì đây là loài kiến ưa ánh sáng, có khả năng bay rất cao và rất ưa thích các chung cư cao tầng. Buổi tối người dân bật đèn sáng càng thu hút loài kiến này”, BS. Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da Liễu Trung ương cho biết.
Bác sĩ da liễu Mai Minh Trang cũng bị phỏng da do kiến ba khoang.
“Có thể mình không tránh được do nó đậu lên người. Ai cũng có thể bị viêm da kích ứng do kiến ba khoang. Mọi người có thể không đề phòng được nhưng phải biết cách để phát hiện, điều trị sớm và không để bị nặng lên và không bị nhầm lẫn với các bệnh khác để điều trị sai hướng”, bác sĩ Mai Minh Trang chia sẻ sau khi vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang tại nhà.
Nếu gặp kiến ba khoang, người dân phải tránh tối đa tiếp xúc với loài này.
Khi bị kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể, không nên dùng tay đập chết kiến để tránh độc tố tiết ra. Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương.
Người bệnh cần rửa sạch vùng da tiếp xúc với kiến dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng, nếu thấy dị ứng, kích ứng da thì nên đến cơ sở y tế khám, không tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.
Mùa kiến ba khoang bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
Hiện nay, người dân các vùng ven ngoại thành Hà Nội đang tiến hành đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Kiến ba khoang không còn nơi trú ngụ sẽ đổ về các khu dân cư ngày càng nhiều. Người dân cần cẩn trọng hơn với loài kiến có độc tố cực mạnh này.
Nguyễn Bắc - Theo Dân Trí