Gian nan đường vào bản Ôn Ốc.
Sau 8 năm chúng tôi mới có dịp trở lại bản Mông Ôn Ốc (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) để ăn tết. Rất nhiều thứ đã đổi thay! Bản Mông rẻo cao xa xôi ngày nào giờ như gần hơn,.. bởi đã có sóng điện thoại, có wifi, và con đường đổ bê tông sạch sẽ chạy dọc bản thay cho con đường đất lầy lội vào ngày mưa, bụi mù vào ngày nắng.
Không khí rộn ràng, hân hoan mừng đón năm mới tràn ngập khắp cả bản
Hôm nay, nhà anh Vừ A Giang mổ dê, mổ gà để ăn tết. Gia đình chị Mùa Thị Lù mổ hẳn con lợn đen 1,2 tạ và chục con gà. Còn nhà Vừ A Ký cũng mổ lợn 80kg, mổ 5 con gà để ăn tết… Một không khí rộn ràng, hân hoan mừng đón năm mới tràn ngập khắp cả bản. Hầu như nhà nào khi ăn tết cũng làm dăm mâm cơm để mời anh em họ hàng, bà con láng giềng thân thích cùng đến ăn tết. Theo phong tục của người mông, có như vậy thì năm mới sẽ làm ăn khấm khá hơn.
Cũng theo phong tục của người Mông, khi mọi người đã uống vài ba chén, rượu đã bắt đầu làm ấm người, tiếng nói cười đã râm ran, thì gia chủ sẽ cầm bát chân gà ra để xem. Chăm chú ngắm nghía từng đôi chân gà, gia chủ dự báo về những điềm lành trong năm tới của gia đình, của mọi người trong mâm và của cả bản. Sau đó đĩa chân gà được chuyển lần lượt tới mọi người để chủ và khách đều xem. Tựu trung lại, ai cũng nói cần phải cố gắng chăm chỉ làm ăn, chấp hành luật pháp, đoàn kết giúp đỡ nhau, chăm sóc cho gia đình và giữ gìn sức khỏe,.. Trước khi đĩa chân gà được chuyển đến người kế tiếp thì mọi người lại uống rượu và cười nói vô cùng phấn khởi.
Ông Giang và khách cùng xem chân gà - nét đẹp phong tục đầu xuân của người Mông.
Một điều rất độc đáo khi ăn tết ở bản mông là gia chủ sẽ mời khách uống 2 chén rượu liên tiếp mà chẳng mấy ai muốn từ chối, bởi cái lý đưa ra rất hay: uống chén rượu năm cũ để tiễn những điều xui xẻo ra đi, uống chén rượu năm mới để đón những điều tốt lành đến và ở lại. Trong đó, chén rượu năm mới bao giờ cũng đầy hơn hoặc to hơn chén rượu năm cũ.
Khi uống chén rượu năm mới, mọi người thường chúc nhau: sang năm mạnh khỏe như cây bách xanh cổ thụ trên rừng, làm ra hạt thóc to như hạt ngô, con lợn to như con bò, gà vịt đầy chuồng, thóc lúa đầy bồ… rồi cùng cười vui vẻ và cạn chén. Cứ tiếp tục như vậy 2 chén rượu luôn được rót ra để chuyền cho người bên cạnh cho đến khi tất cả mọi người trong mâm đều được uống.
Nhìn không khí ăn tết của bà con, bất chợt tôi nhận thấy tết năm nay bà con bản Mông Ôn Ốc ăn tết to hơn và vui hơn lần trước! Bởi mấy năm nay, cả bản được mùa mận. Bình quân thu nhập tăng thêm của mỗi hộ mấy chục triệu mỗi năm có hộ nhiều được 4 - 5 trăm triệu đồng/năm.
Nhà ông Páo và anh Sáy mổ lợn và gà ăn Tết.
Không giống như câu chuyện đầu xuân mới lần trước, mọi người chỉ trầm ngâm lặng lẽ thầm mong có phép màu để cải thiện đời sống cho gia đình, cho bản bớt khổ hơn. Trong câu chuyện đầu xuân mới năm nay, mọi người sôi nổi bàn về hiệu quả kinh tế của việc trồng cây mận, dự tính phát triển trồng cây su su và các loại rau cải đặc sản của người mông để nâng cao thu nhập. Nhưng ngặt nỗi là con đường dài 7 km nối từ bản Luông vào Ôn Ốc gập nghềnh dốc đá, trơn trượt vẫn là lực cản lớn nhất làm bà con chưa dám mạnh dạn mở rộng diện tích và làm cho giá mận cũng như các nông sản khác của bà con làm ra bị sụt giảm đáng kể.
Tuy nhiên khác hẳn với 8 năm trước, những cây mận già cỗi ở Ôn Ốc còn giữ lại chủ yếu để cho đẹp bản, đẹp nhà, để tưởng nhớ công sức vun trồng của tổ tiên, và để lấy chút quả để ăn. Thì nay, hàng chục ha diện tích mận được trồng mới và đang cho thu hái quả.
Một hợp tác xã của những hộ trồng mận trong bản đã ra đời vào tháng 7/2021 với 13 thành viên. Trong tiết trời mờ sương và se lạnh đầu xuân mới, anh Thào A Chái (Giám đốc HTX) vừa đưa tôi đi thăm những đồi mận trồng mới vừa cho biết trung bình mỗi năm HTX xuất bán 150 - 180 tấn, doanh thu đạt 1 - 2 tỷ đồng, trong đó hộ anh Phổng có diện tích nhiều nhất (2 ha), doanh thu năm 2023 đạt khoảng 500 triệu đồng.
Mấy năm nay hộ ông Phổng có thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm từ mận.
Cây mận đã làm cho đời sống bà con bản mông khấm khá hơn
Bản mông Ôn Ốc nằm ở độ cao 1.100m, tỷ lệ che phủ rừng 65,32% (cao nhất huyện) nên mùa hè khí hậu rất trong lành, mát mẻ làm cho chất lượng mận thu hái ở đây rất thơm ngon.
Theo bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Thào A Vảng, mấy năm nay cây mận trở thành cây hàng hóa chủ lực của bà con trong bản; 70/120 hộ của bản có thu nhập từ 10 triệu - 500 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng mận. Cây mận đã làm cho đời sống bà con bản mông thực sự khấm khá hơn. 5 năm trước cả bản có trên 70% hộ nghèo và cận nghèo, thì đến hết năm 2023 giảm xuống còn 27 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo (chiếm 30,83%).
Trao đổi với phóng viên ông Hà Đức Mưu (Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Lựm) cho biết, thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, chục năm gần đây bản Ôn Ốc đã chuyển gần 30 ha ngô sang trồng cây mận, nâng tổng diện tích mận của bản đến nay lên hơn 40 ha - là bản có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất xã.
“Khi nào con đường lên Ôn Ốc làm xong thì chắc chắn diện tích trồng mận và các loại rau… của bà con bản mông sẽ tăng lên, và đời sống thu nhập của bà con cũng phát triển đi lên” - ông Mưu dự báo.
Ngày Tết, khi ra về người mông thường tặng bánh dày cho khách.
Với tâm trạng phấn khởi đầu xuân mới, giám đốc HTX mận Thào A Chái khoe ăn tết xong là em sẽ dỡ ngôi nhà cũ, mua gạch và vật liệu… về để xây ngôi nhà mới cùng công trình phụ khép kín khang trang chắc chắn hơn rộng chừng 100 m2 với tổng chi phí khoảng 400 triệu đồng, trong đó 1/3 số tiền tích lũy là từ thu mận, còn lại là tiền tích lũy dăm năm nay từ việc cho thuê phông rạp, loa đài.
Được biết, nhờ có nguồn thu từ mận mà mấy năm nay khoảng 40% số hộ của bản tu sửa được nhà cửa khang trang, mua sắm được tivi, tủ lạnh, máy giặt… cùng nhiều đồ dùng thiết yếu hiện đại cho gia đình; con cháu được quan tâm học hành, chữa bệnh…; gần 20 chục hộ đã mua được ô tô con, ô tô tải và ô tô U- oát cũ để đi nương.
Bên cạnh cây mận, bản mông Ôn Ốc còn có đặc sản chè cổ thụ Pa Đét được xao thủ công có hương vị rất độc đáo, tuy sản lượng ít nhưng mỗi năm cũng mang lại cho bản nguồn thu vài trăm triệu đồng. Và hơn thế, chè Pa Đét còn là sản phẩm độc đáo của người mông Ôn Ốc, của huyện Yên Châu để khách thưởng trà tìm về.
Chia tay bản mông Ôn Ốc, trên cung đường độc đạo chỉ 7 km từ đầu bản nối ra xã nhưng do sương mù ẩm ướt làm cho đoạn đường gập ghềnh hiểm trở với những tảng đá nhọn, đèo dốc và những hố rãnh càng trở lên trơn trượt khó đi, nên phải mất 1,5 giờ đồng hồ chiếc xe bán tải gầm cao mới vượt qua.
Không chỉ bà con ở bản Ôn Ốc, ở xã Mường Lựm mà bất kể một ai đã một lần đến bản mông này đều mong mỏi sớm có được con đường bớt gian nan hơn nối xã với bản. Khi ấy không chỉ cây mận và các nông sản của bản sẽ phát triển hơn, đời sống của bà con sẽ khởi sắc rõ rệt hơn, mà tiềm năng du lịch của Ôn Ốc, của xã Mường Lựm sẽ có nhiều cơ hội để khoe ra và thu hút đông đảo du khách.
Tuy nhiên, không chỉ vì một cung đường gian truân vất vả, mà những tình cảm mộc mạc ấm nồng của bà con bản mông cùng những đổi thay phát triển của bản đã mang những mùa xuân vui về trên rẻo cao Ôn Ốc.
Phạm Quỳnh - Pháp luật Plus