Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội) và được truyền trực tuyến tới 63 điểm cầu tại văn phòng tỉnh, thành ủy trong cả nước.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự tại điểm cầu Trung ương có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện các bộ, ban, ngành, chuyên gia, nhà khoa học của Trung ương và Hà Nội; đại diện các tổ chức quốc tế và một số đại sứ quán tại Việt Nam.
Về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tham dự.
Tháo gỡ khó khăn, khắc phục các đứt gãy kinh tế
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong hơn một năm qua, với nỗ lực to lớn, tinh thần quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, bằng các giải pháp xử lý đúng đắn, kịp thời và đồng bộ, Việt Nam đã kiểm soát tốt sự lây lan, phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và duy trì phát triển kinh tế-xã hội, vẫn là một điểm sáng trên thế giới.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ tư kể từ tháng 4/2021 đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, tác động của đại dịch đã làm cho nền kinh tế Việt Nam bị chệch ra khỏi quỹ đạo tăng trưởng, hiện đang ở mức thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tiềm năng; Điều này nếu không được khắc phục sớm, thì bản thân quỹ đạo tăng trưởng này có nguy cơ bị đảo chiều, có thể bị chuyển xuống mức tăng trưởng tiềm năng thấp hơn.
Đại dịch lần này đã làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến đứt gãy sự kết nối giữa tổng cung và tổng cầu gồm: Đứt gãy trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị do đột ngột ngưng cung lao động; Đứt gãy trong khâu vận chuyển, vận tải và hệ thống logistics; Đứt gãy trong khu vực dịch vụ cần tiếp xúc trực tiếp...
Tại hội thảo lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả; Vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội; Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động nhằm thực thi thắng lợi mục tiêu kép trong trạng thái “bình thường mới”. Trong đó có các kinh nghiệm về đảm bảo năng lực y tế, đảm bảo an sinh xã hội, sự phối hợp giữa các địa phương...
Phát biểu kết luận hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tham luận tại hội thảo. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, đơn vị để sớm hoàn thành dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 và báo cáo Thường trực Chính phủ cho ý kiến để hoàn thiện và tiếp tục lấy ý kiến tham vấn.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu muốn phục hồi, phát triển kinh tế thì điều kiện quan trọng là phải kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, giải pháp đưa ra là phải bảo đảm sức khỏe của người dân là trên hết, là trước hết khi chúng ta chưa tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Đặc biệt, cần thực hiện tốt chiến lược “vắc xin + 5K + công nghệ + truyền thông + ý thức tự giác của người dân” cùng các biện pháp có thể, được triển khai một cách hiệu quả, linh hoạt.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng các địa phương cần chủ động thực hiện sự chuyển hướng từ chiến lược “không Covid-19” sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Nêu thực trạng diễn biến phức tạp của chủng Delta thời gian qua, trong đó có những bài học kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương khi dịch bùng phát mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để kiểm soát dịch hiệu quả thì cần nâng cao năng lực y tế từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, hệ thống y tế cơ sở là hết sức cần thiết để giảm thiểu tử vong, giúp người dân được tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất với hệ thống y tế khi có dịch bệnh.
Các địa phương cần sớm khôi phục hoạt động của doanh nghiệp
Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, việc lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch của các địa phương phải tập trung thống nhất, việc triển khai thực hiện linh hoạt.
Quang cảnh hội thảo
Trong đó, giải pháp cần triển khai là siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; Đồng thời nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ của địa phương trong thực thi chính sách; Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cấp để tạo sự đồng thuận, thống nhất khi triển khai thực hiện các biện pháp, phòng, chống dịch; Cùng với đó, tiếp tục phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm kiểm soát lạm phát, duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát tình trạng nợ công; Duy trì và bảo đảm các cân đối lớn như thu - chi ngân sách, xuất - nhập khẩu…
Thủ tướng Chính phủ cho hay, các địa phương cần sớm khôi phục hoạt động của doanh nghiệp, trong đó khôi phục lại thị trường lao động sau một thời gian dài giãn cách. Khi nới lỏng giãn cách, nhu cầu lao động của doanh nghiệp nhiều. Cùng với đó là giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định tự do thương mại với các nền kinh tế lớn trên thế giới để thúc đẩy hoạt động xuất- nhập khẩu.
Chính phủ và địa phương cùng bàn thảo với các doanh nghiệp để tìm các biện pháp để lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ với doanh nghiệp.
Về bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh tới việc ưu tiên triển khai việc tiêm vắc xin miễn phí cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng. Trong đó, Chính phủ đánh giá cao sự hỗ trợ, chung tay của doanh nghiệp trong việc ủng hộ quỹ vắc xin phòng Covid-19. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu việc thực hiện an sinh xã hội có trọng tâm, trọng điểm, lo cả vật chất và tinh thần, không để sót các đối tượng cần được hỗ trợ.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, trong khó khăn cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi, phấn đấu vươn lên, tự khẳng định mình. Cơ hội ở đây là cải cách thể chế, chính sách, chuyển đổi số, thương mại điện tử, cơ hội "xanh hóa" nền kinh tế, "xanh hóa" năng lượng sạch, góp phần chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nền kinh tế nói chung, công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng.
Về nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến 3 trụ cột quan trọng để khống chế thành công dịch là cách ly, xét nghiệm và điều trị.
“Đây là 3 trụ cột quan trọng không thay đổi, trong đó việc xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan, truy vết khoanh vùng quyết liệt, triệt để để không bỏ sót các trường hợp liên quan. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của mỗi địa phương để chúng ta vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Anh Đức - TTTĐ