Năm 2021, trên 70.000 sinh viên không ra trường đúng hạn

15/01/2022 09:51

Kinhte&Xahoi Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ GD&ĐT ngày 14/1, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn.

Kế hoạch năm học bị đứt đoạn

Cụ thể, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.

Theo thống kê, tính đến ngày 9/1/2022, cả nước có 9 tỉnh, TP tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; 35 tỉnh, TP tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 19 tỉnh, TP tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Ảnh minh họa.

Trong năm, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Đến ngày 30/11/2021, riêng ngành Giáo dục đã huy động được 146,892 tỷ đồng, 30.612 máy tính bảng, 31.305 điện thoại thông minh và 99.479 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Tính đến ngày 31/12/2021, Bộ đã phân bổ 87.756 máy tính cho 20 tỉnh, TP.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục mầm non linh hoạt, đảm bảo an toàn cho trẻ em. Xây dựng tài liệu, học liệu trực tuyến, video nhằm hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non tại gia đình.

Bộ đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6; thẩm định sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 và biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc. Thực hiện điều chỉnh quy trình thẩm định sách giáo khoa nhằm nâng cao chất lượng sách giáo khoa trong thời gian tới.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt; Các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao, năm 2021, có 37/37 lượt học sinh dự thi và đều đoạt giải. Trong đó, Chủ tịch nước đã trao 6 Huân chương Lao động hạng Nhì, 11 Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 6 Bằng khen cho các học sinh có thành tích xuất sắc.

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT (2 đợt) và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2021 đảm bảo nghiêm túc, an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Xét đặc cách tốt nghiệp cho 14.645 thí sinh đủ điều kiện, nhằm bảo đảm quyền lợi của các thí sinh có nguyện vọng nhưng không tham gia dự thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhiều nhiệm vụ lớn trong năm 2022

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới các nhiệm vụ lớn của năm 2022: Trước hết, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ có tính thời sự là chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo. Trong đó, sớm hoàn thành chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành Giáo dục.

Trước thực tế có khoảng 70.000 sinh viên Đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, Bộ trưởng đề nghị các trường Đại học, Cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập. Cùng với đó tăng cường bù đắp chất lượng giáo dục Đại học, sau Đại học cho sinh viên, học viên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Moet

Trong năm 2022, ngành Giáo dục cũng sẽ tập trung hoàn thành, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn 2045 và triển khai nhanh các công việc liên quan đến chiến lược này.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện để ban hành các văn bản quản lý điều hành, trong đó lưu ý những văn bản quản lý điều hành khắc phục những hạn chế, điểm yếu do tác động của dịch bệnh.

Đối với giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng, năm 2022, 2023 được xác định 2 năm trọng yếu trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy, cần phải nhìn thấy hết thách thức đặt ra về nguồn lực, điều kiện thực hiện để có phương án khắc phục và triển khai.

Ngoài ra, kỳ thi THPT và triển khai tự chủ Đại học cũng được Bộ trưởng nhìn nhận còn nhiều thách thức, nên cần phải có các giải pháp, hành động ráo riết hơn.

Một số nhiệm vụ trọng tâm khác như tăng cường chuyển đổi số, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập cho các đối tượng yếu thế, tăng cường các thiết chế văn hóa trong hệ thống giáo dục và đào tạo.

 Hùng Tâm - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Vũ khí” mới điều trị COVID-19

Thuốc kháng thể đơn dòng Sotrovimab và thuốc viêm khớp baricitinib kết hợp corticosteroid vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt hiệu quả ngăn ngừa chuyển nặng ở người mắc COVID-19.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/nam-2021-tren-70000-sinh-vien-khong-ra-truong-dung-han-d174858.html