Không ít người chồng im lặng chịu đựng khi bị vợ bạo hành. (Ảnh minh họa).
Nỗi đau “câm nín"
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga (Trung tâm nghiên cứu & phần mềm khoa học tâm lý giáo dục) khẳng định trên truyền thông, nam giới hay phụ nữ đều có thể là nạn nhân của bạo hành gia đình, dù tỷ lệ người chồng bị bạo hành thấp hơn. Phụ nữ thường bị bạo hành cả tinh thần và thể chất, trong khi nam giới bị bạo hành tinh thần nhiều hơn.
Tại Việt Nam, báo cáo năm 2013 của Bộ Công an cho biết, 20% nạn nhân của các vụ bạo hành gia đình là đàn ông. Năm 2017, báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An cho biết, trong 601 vụ bạo hành gia đình được phát hiện ở tỉnh này, có 58 nạn nhân là nam giới và 54 là nữ giới. Tiêu biểu tại huyện Kỳ Sơn có 81 vụ bạo hành gia đình, trong đó vợ dùng vũ lực bạo hành thân thể chiếm đến 21 vụ. Có thể thấy, vấn đề này tuy chưa đến mức phổ biến nhưng không phải chuyện hiếm.
Trong một khảo sát được thực hiện trong hai năm 2018 - 2019, với hơn 2.500 nam giới ở độ tuổi 18 - 64 của Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội (ISDS), tỷ lệ vợ bạo hành chồng chiếm khoảng 4%, bằng một nửa tỷ lệ chồng bạo hành vợ. Tuy nhiên, nam giới ở độ tuổi trẻ nhất (18 - 29) đã từng gây bạo lực gia đình thấp nhất trong các nhóm tuổi. Thậm chí ở nhóm này, tỷ lệ người vợ sử dụng bạo lực về thể chất gần gấp đôi so với người chồng (6,2% so với 3,5%). 1/4 nam giới tham gia khảo sát của ISDS thừa nhận thấy áp lực trong cuộc sống. Trong đó, hơn 80% áp lực về tài chính và 70% áp lực về sự nghiệp.
Chuyên gia về giới và phát triển ThS. Ngô Hà nhận định trên truyền thông: “Các số liệu thống kê ở trên thế giới và Việt Nam chỉ ra rằng, nữ giới bị bạo lực hơn so với nam giới, nhưng không có nghĩa rằng nam giới ở Việt Nam không bị bạo lực trên cơ sở giới...”.
Một người đàn ông cảm thấy mình bị tổn hại về thể chất, tinh thần do những hành vi, thái độ và lời nói mà người khác gây ra thì được gọi là nạn nhân của bạo lực. Người gây ra bạo lực có thể bất kỳ ai ở trong gia đình.
Cũng như phụ nữ, nam giới có thể bị bạo lực ở các dạng như quấy rối tình dục trực tiếp hoặc qua tin nhắn điện thoại, email, facebook hay bị lăng mạ, đánh đập. Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, trong gia đình, phụ nữ là người hay gây ra bạo hành nhưng không giống đàn ông. Họ ít khi bạo hành trên cơ thể chồng mà thường bạo hành tinh thần. Theo chuyên gia tâm lý, phụ nữ Việt Nam thường bạo lực chồng con bằng bạo lực tinh thần nhưng không nghĩ thế là bạo lực. “Ở góc độ tâm lý, bạo lực tinh thần lại vô cùng nguy hiểm. Nếu như bạo lực thể chất (gãy tay) thì 30 ngày sẽ khỏi, còn đàn ông bị bạo lực tinh thần sẽ ám ảnh cả cuộc đời”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho hay.
Nhiều nạn nhân của bạo lực trong gia đình, xã hội không nhận ra mình bị bạo lực hay thậm chí nhận ra nhưng lại câm nín, chấp nhận, chịu đựng và sống trong thời gian dài.
Trên thực tế, không ít ông chồng bị vợ bạo hành đều cố tình che giấu. Họ sợ mọi người cười chê kể lể chuyện nhà “như đàn bà”. Họ âm thầm chấp nhận sống chung với lũ, lâu lâu lại hứng chịu những đợt lũ quét. Có những người tự ru ngủ mình bằng lý lẽ “một điều nhịn, chín điều lành, có như thế thì trong nhà mới yên ổn”.
Một số phụ nữ đẩy chồng vào tình thế chỉ biết phục tùng, thụ động, “chỉ đâu đánh đấy”, thậm chí chẳng dám có ý kiến gì trong gia đình và dòng tộc. Một số phụ nữ coi chồng như của riêng mình, ngăn cấm mọi giao tiếp, quan hệ của chồng với bạn bè, đồng nghiệp. Có chị đến quậy chồng ở công ty hoặc thưa kiện làm mất danh dự của chồng. Có bà vợ còn dùng “chiêu” doạ ly dị, giành quyền nuôi con để gây áp lực với chồng hoặc khủng bố tinh thần bằng cách đập phá đồ đạc, dọa thắt cổ, uống thuốc trừ sâu tự tử.
“Chuyện đàn ông bị vợ bạo lực đôi khi được miêu tả trên ti vi hoặc trong các chương trình với bối cảnh hài hước. Chúng ta có thể cười nhạo bạo lực của phụ nữ với nam giới và điều này vô tình ngăn cản nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ, xuất phát từ nỗi sợ rằng không ai tin họ.Trên thực tế, điều này có thể khiến các nạn nhân nam phải trả một cái giá rất lớn” - một luật sư lên tiếng.
Ngoài lý do về việc thiếu kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới thì khuôn mẫu, định kiến về tính cách và vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và xã hội cũng là một nguyên nhân của việc nam giới là nạn nhân nhưng không nêu lên tình trạng bạo lực của mình. Một khi nam giới vẫn còn phải gánh trên mình hình mẫu nam tính, mạnh mẽ, trụ cột, giỏi giang, không uỷ mị… thì có thể bạo lực gia đình vẫn còn âm ỉ nhức nhối.
Diễn giả, nhà báo HoàngAnh Tú cho rằng, nhiều nam giới bị vợ bạo hành thường giải tỏa bằng rượu, bia hoặc bạo hành lại chính vợ con mình. Điều này tạo thành vòng luẩn quẩn, bế tắc. Thạc sỹ tâm lý học Huỳnh Anh Bình cho biết: “Có không ít đàn ông bị bạo hành gia đình tìm đến trung tâm để được tư vấn tâm lý. Thật ra, người đàn ông bị bạo hành gia đình còn bị tổn thương tâm lý nặng nề hơn phụ nữ do các định kiến xã hội đặt lên họ.
Nam giới cần tự gỡ bỏ mình ra khỏi bạo lực đang bủa vây
Theo tài liệu của Viện Khoa học xét xử, trong 10.608 vụ án hôn nhân và gia đình được đưa ra tòa án, có 42% vụ án ly hôn mà nguyên nhân là từ bạo lực gia đình. Trong số đó, tỷ lệ vợ đánh chồng là 0.6%, vợ mắng chồng là 8.5%, vợ ép chồng quan hệ tình dục là 1.6%. Con số này cho thấy, nạn vợ bạo hành chồng cũng cần phải được quyết liệt lên án và ngăn chặn kịp thời. Tránh để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.
Luật pháp Việt Nam đã quy định về quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật, đã có những quy định về quyền khiếu nại, tố cáo. Vì thế, bất kỳ ai bị bạo lực cũng có thể lên tiếng. Bạo hành gia đình, dưới hình thức nào, nếu không cứu vãn kịp thời sẽ trở thành ổ khóa lạnh lùng khép chặt cánh cửa hạnh phúc hôn nhân.
Hiện nay, có rất nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới ở Việt Nam được tổ chức, các hội nghị, diễn đàn bảo vệ nam giới, trẻ em cũng ngày càng được quan tâm. Để thoát khỏi bạo lực, không có cách nào khác ngoài việc nam giới phải đối mặt với nó. Chính họ sẽ là những người tự gỡ bỏ mình ra khỏi bạo lực đang bủa vây, để bạo lực giới không còn là nỗi ám ảnh thầm lặng của những “đấng mày râu”.
Để thay đổi thực trạng này, diễn giả Hoàng Anh Tú cho rằng xã hội và chính bản thân nam giới nên xóa bỏ định kiến giới và nhìn nhận khách quan về bạo lực gia đình. “Chuyện nam giới bị bạo lực trong gia đình là một thực trạng đòi hỏi xã hội giải quyết, không phải là chuyện “câu like” trên mạng để cười đùa, giễu cợt”, ông Tú nói.
Theo bà Linh Nga, thay vì giấu giếm, xấu hổ vì là nạn nhân của bạo lực gia đình, đàn ông nên tâm sự với những người thân thiết như là bố mẹ, anh chị em vợ, bạn chung của hai người, nhằm giải tỏa căng thẳng và có thể nhờ sự tác động của họ.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Các nhà quản lý, chuyên gia và đông đảo đội ngũ làm công tác gia đình cho rằng khi Luật này được thi hành sẽ tạo những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống, ngăn chặn và giảm những vụ việc bạo lực gia đình.
Luật đã đáp ứng mục tiêu quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Cùng với đó là khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nướctrong việc bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng, phát triển các cơ sở trợ giúp hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. |
Bảo Châu - Pháp luật Plus