Đó là một trong những yêu cầu của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội, diễn ra sáng nay (4/7).
Quang cảnh hội nghị
Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, 6 tháng đầu năm 2022, công tác xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đúng quy trình, nghiêm túc và phục vụ tốt cho sự phát triển chung của thành phố.
Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng, bám sát các nhiệm vụ chính trị, nhất là các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố. Việc chấp hành pháp luật trong điều tra, xét xử được thực hiện nghiêm túc, không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đánh giá, chất lượng hoạt động của các cơ quan tố tụng có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo chất lượng. Các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khám phá nhanh và đạt 98,2% (vượt chỉ tiêu mà Quốc hội và Bộ Công an giao).
Mối quan hệ giữa cơ quan điều tra công an, viện kiểm sát, toà sát luôn được phối hợp thực hiện chặt chẽ, thống nhất. Kết quả thực hiện 5 năm Quy chế 01/QC-LN giữa 10 Sở, ngành của TP cho thấy đã thực hiện tốt việc cung cấp, trao đổi thông tin tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn thành phố.
Nêu một số tồn tại trong quá trình thực hiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch 208 của Thành ủy về thực hiện Chương trình số 33-CTr/BCĐ của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành uỷ về “Trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022” và các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động tư pháp, cải cách tư pháp; Tiến hành sơ kết Chỉ thị 19 và triển khai Hướng dẫn số 04 của Ban Bí thư.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan phấn đấu nâng tỷ lệ xác minh, giải quyết tin tố giác, tin báo tội phạm đạt 90% theo chỉ đạo của T.Ư; Tiếp tục giữ vững tỷ lệ khám phá tội phạm đạt trên 75%, khám phá trọng án bảo đảm trên 90% và cố gắng hoàn thành vượt chỉ tiêu mà Quốc hội giao.
Cùng với đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP đề nghị UBND TP tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất chính sách lập hồ sơ đề nghị và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Kịp thời tăng cường thanh tra, kiểm tra trong vấn đề bổ trợ tư pháp để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm; Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch hệ thống trụ sở các cơ quan tư pháp lộ trình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến kết luận hội nghị
Đối với Ban Nội chính Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy kế hoạch sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 5/12/2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính”. Viện kiểm sát Nhân dân TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp số 01/QC-LN ngày 21/4/2017 giữa 10 sở, ngành TP để phù hợp với tình hình thực tiễn...
Các vụ án được phá án nhanh, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy cho thấy, hoạt động Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều đổi mới.
Các cơ quan tư pháp của thành phố đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp của cấp mình, ngành mình theo đúng yêu cầu, mục đích đề ra.
Các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp đã được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp các quận, huyện, thị ủy; Cấp ủy các cơ quan tư pháp, các cơ quan, tổ chức liên quan tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.
Cùng với việc xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội, UBND thành phố đã ban hành báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ động chỉ đạo, tổ chức xây dựng dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Thủ đô (sửa đổi), đề cương dự thảo Luật Thủ đô.
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã được Ban Chỉ đạo triển khai sâu rộng, bám sát các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đạt được nhiều kết quả tích cực; Công tác cải cách hành chính của các cơ quan tư pháp thành phố được đẩy mạnh. Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện nghiêm túc, chưa phát hiện dấu hiệu oan, sai; Bảo đảm thực hiện đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục có những chuyển biến tích cực: Tỷ lệ điều tra, khám phá án chung đạt cao (87,6%); Các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được khám phá nhanh (đạt 98,2%), vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Bộ Công an đề ra. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố bị can đúng tội đạt 100%...
Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng đã được các cơ quan tư pháp thành phố khẩn trương tập hợp, nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị chung, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Đáng chú ý, các cơ quan tham gia Quy chế phối hợp liên ngành đã thực hiện tốt chế độ báo cáo việc tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kịp thời trao đổi, phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc phân loại, xử lý các loại tố giác, tin báo về tội phạm…
Tú Linh - TTTĐ