Thí sinh hoàn thành môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Hà My.
Sáng nay tôi đưa con trai đi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Lòng bồi hồi nghĩ con trai vừa hết 12 năm đèn sách. Thực tế là hơn 12 năm.
Hồi cháu còn đi mẫu giáo các cấp… Mầm – Chồi - Lá, vợ chồng chúng tôi bất đồng với nhau về việc cho con học chữ trước tuổi hay không. Tôi thì kiên quyết "không" theo khuyến cáo của ngành giáo dục nhưng vợ vẫn lén cho con học. Lý do: Vào lớp 1 con người viết đọc biết viết, con mình không học tụt lại, theo không kịp.
Quả đúng vậy. Ở TP.HCM, một số phụ huynh có suy nghĩ như tôi, dù cũng ít thôi, nhưng khi cho con vào lớp 1 đều kêu trời vì không cho con học chữ trước. Tôi có anh bạn làm chủ tịch phường, than vãn: Nghe lời ngành giáo dục không cho con đi học chữ trước, giờ ân hận quá vì thấy con đua theo không kịp bạn bè.
Dĩ nhiên các thầy cô ở lớp đầu cấp này vẫn bám sát chương trình, không dạy chạy đua nhưng sự so le về kỹ năng (đọc, viết) của các cháu đã gây ra một khoảng cách "bất công", tác động không nhỏ đến tâm lý trẻ nhỏ. Và dĩ nhiên, điều này chắc chắn có tác động đến sự phát triển tâm sinh lý, trí não, động cơ của trẻ.
Thiết nghĩ, ngành giáo dục phải cấm rất nghiêm (hoặc cấm không được thì cứ cho phép) việc dạy chữ sớm cho trẻ, để các cháu bước vào lớp đầu cấp có cơ hội học tập như nhau. Tôi nói "hơn năm 12 đèn sách" là vậy, việc học của các cháu không phải bắt đầu từ lớp Một, mà là sớm hơn, một cách bất đắc dĩ.
12 năm đèn sách của con là 12 năm tôi xót xa mỗi ngày, vì các cháu học quá nhiều, khối lượng thời gian dành cho việc học quá khủng khiếp. Tôi không biết các cháu có được "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" hay không, chỉ biết con tôi học bù đầu bù cổ.
Tôi muốn con tôi học thêm ít thôi, dành thời gian cho việc chơi thể thao, học đàn. Nhưng vợ tôi kiên quyết bắt con học thêm. Chúng tôi xung đột. Tôi biết vợ mình có lý khi bắt con phải học thêm Toán – Lý – Hóa – Văn – Anh văn suốt tuần buổi tối (và cả sáng Chủ Nhật) vì gần như tất cả bọn trẻ đều học thêm như vậy, không đua theo bạn bè là rơi lại phía sau ngay, là cơ hội giành suất vào trường đại học tốt sẽ rất khó khăn.
Mỗi 9-10h tối con tôi mới về tới nhà, đầu bù tóc rối. Mệt lử. Không cha mẹ nào không xót. Xót nhưng vẫn bắt con phải học. Tôi nghĩ chính người lớn – phụ huynh – gây ra tình trạng này chứ không ai khác (dĩ nhiên còn có trách nhiệm của ngành giáo dục khi không điều chỉnh nổi tình trạng này).
Con trai tôi năm học lớp 9 đã đạt Huy chương vàng môn bắn súng toàn TP.HCM. Đến lớp 10 cháu vẫn còn chơi môn này nhưng đến 11 thì bỏ để lao vào việc học. Giờ hết 12 rồi, tôi xót xa khi cháu chỉ biết đàn lõm bõm, môn bắn súng cũng dở dở dang dang. Vẽ vời thì coi như mù màu. Rất nhiều trẻ khác cũng vậy, cái đầu đầy chữ nhưng kỹ năng bằng không, số 0 tròn trĩnh. Thật đáng tiếc. Nhưng tôi không còn cách khác.
Ngành giáo dục hô khẩu hiệu "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" nhưng đó là mục tiêu chứ không hẳn là thực trạng. Trong thâm tâm, mỗi ngày tôi đều mong mỏi con mình mau mau kết thúc năm lớp 12 để có thể học tập các môn kỹ năng hoặc hưởng thụ một bầu không khí trong lành rất đời chứ không ngập ngụa những bài học đầy chữ và số.
Thật tiếc cho các con khi ở cái tuổi vô tư trong sáng và đẹp nhất cứ cắm đầu cắm cổ học và học. Có lẽ 90% các cháu hiện nay đều cận thị. Chủ yếu cũng học mà ra.
Tôi cảm ơn trường học và các thầy cô đã dìu dắt các con chúng tôi được học hành, đã làm phần việc cực quan trọng là khai tâm, khai trí cho các cháu, góp phần dạy các cháu nên người có kiến thức, có ích.
Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi sẽ biết ơn ngành giáo dục hơn nữa nếu có thể giảm tải chương trình học một cách khoa học, tạo điều kiện cho các cháu cân bằng thời gian học hành và vui chơi, có thời gian học thêm những môn kỹ năng (vốn sẽ rất quan trọng khi bước ra đời).
Làm chưa được điều này là những người điều hành ngành giáo dục còn mắc nợ nhân dân, mắc nợ các thế hệ học sinh.
Đăng Đại - Theo Dân Việt