Những ngày này, người trồng đào trên địa bàn Nghệ An đang đứng ngồi không yên vì đào đã bắt đầu bung nở khi còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán. Nhất là các huyện vùng núi, khi bà con thường để đào nở tự nhiên.
Năm nay, do thời tiết thất thường, nắng dài khiến hàng nghìn gốc đào ở miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) bung nở hoa sớm. Đồng bào dân tộc nơi đây lo lắng có thể mất đi thu nhập trong dịp Tết Nguyên đán so với các năm.
Nhiều cây đào nở sớm
Còn hơn tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng hàng loạt gốc đào đá ở vùng cao huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã nở rộ. Việc đào nở sớm khiến người dân vùng cao lo lắng sẽ mất nguồn thu nhập cho vụ Tết tới đây.
Được mệnh danh là “thủ phủ” đào đá của vùng cao tỉnh Nghệ An, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn có gần 30 ha đào, trong đó đa số là giống đào đá được người dân chơi đào ưa chuộng.
Mỗi dịp Tết, người dân trong xã bán ra thị trường hơn 1.000 cành đào, thu về khoảng 400 triệu đồng. Thế nhưng năm nay đào đá nơi đây đã bung hoa nở rộ.
Đào đá "đón tết sớm" khiến người dân thất thu.
Đào ở miền núi huyện Kỳ Sơn chủ yếu là đào đá, đào rừng nhiều năm tuổi được người dân mang về trồng ở vườn, nương.
Loại đào này có hoa màu hồng nhạt, thân cây xù xì, nhiều gốc cây lâu năm có rêu mọc nên được thương lái và người chơi ưa chuộng.
Đồng bào mất đi một khoản thu lớn khi đào nở sớm.
Chị Hờ Y Sùa, bản Non Kiều, xã Mường Lống, cho biết, thường như mọi năm đến đầu tháng 12 âm lịch đào mới ra nụ, nhưng năm nay từ đầu tháng 11 đã có hơn nửa số cây đào tại vườn bung hết hoa. Nhiều gốc đào cho hoa sớm đã có dấu hiệu tàn, rụng cánh chuẩn bị ra quả.
Thậm chí có cây đã cho ra quả.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn, thì nguyên nhân là thời tiết thất thường, sau khi lạnh thì trời chuyển nắng ấm dài ngày đã kích thích đào nở sớm.
Trong khi đó, người dân địa phương không áp dụng phương pháp để kìm hãm nên đào nở theo quy luật tự nhiên.
Nguyễn Nam - Pháp luật Plus