Năm 2012 xã Đô Thành thực hiện triển khai dự án xây dựng nhà máy nước sạch, đây là công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm, nên khi thực hiện dự án chính quyền đã vận động người dân đóng góp.
Để thực hiện dự án xã đã tuyên truyền, vận động thu mỗi hộ dân 2,5 triệu đồng, để có nước sạch dùng người dân rất đồng tình ủng hộ. Dù còn khó khăn nhưng người dân đều rất tự giác, người vay mượn, người bán lợn, sử dụng tiền tiết kiệm… ai cũng đóng tiền cho xã sớm triển khai.
Nhà máy nước sạch Phú Lộc mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án.
Bà con trong 14 thôn xóm của xã Đô Thành đều chung tay đóng góp cùng triển khai. Thế nhưng, đến nay sau hơn 10 năm trôi qua, dự án mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1, nước sạch mới chỉ cung cấp được 7/14 xóm, còn 7 xóm với hơn chín ngàn nhân khẩu vẫn phải dùng nước giếng khoan không đảm bảo.
Ông Phan Đăng Thế, nguyên xóm trưởng xóm Đông Thị, xã Đô Thành cho biết, hồi đó ông làm xóm trưởng, theo lời kêu gọi của xã đã đứng ra thu tiền của bà con nhân dân theo chủ trương của xã. Nhưng đến nay, nước sạch không có dùng, mà hỏi mãi cũng không ai trả lời…
“Không có nước sạch để dùng người dân buộc phải sử dụng nước giếng khoan, và nước mưa. Nhà có điều kiện thì mua nước sạch từ nơi khác về dùng nhưng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu, nhất là về mùa nắng nóng”, ông Thế cho biết thêm.
Còn ông Phan Đăng Hạnh, trú xóm Đô Thị, xã Đô Thành cho biết: “Dùng nước mưa thì giờ ô nhiễm, nước giếng khoan cũng ô nhiễm. Còn mua nước thì đắt đỏ mà nông thôn lấy mô ra mà mua cho nhiều. Muốn xã nông thôn mới mà không có nước sạch dùng”.
Đó là không chỉ là nỗi lòng của ông Thế hay ông Hạnh mà cả hàng trăm hộ dân nơi đây, khi hơn thập kỷ qua chờ nước sạch trong vô vọng.
“Dân chúng tôi khổ sở vì không có nước sạch để dùng, nếu nhà nước không làm cho dân có nước sạch thì yêu cầu trả lại tiền cho dân để dân tìm nguồn nước sạch khác”, ông Lê Xuân Viên bức xúc.
Cùng với việc hứng nước mưa để ăn, hàng tháng nhiều gia đình có đông người phải bỏ từ 500 ngàn đến tiền triệu để mua nước sạch từ nơi khác về dùng.
Liên quan đến dự án này được biết, vào năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt cho phép lập Dự án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt với tổng mức đầu tư trên 28 tỷ đồng tại khu vực Bầu Dú, xã Đô Thành, tiến hành cấp nước giai đoạn 1 cho 7/14 xóm.
Theo đó, vốn ngân sách Nhà nước theo kế hoạch là 60% (16,8 tỷ đồng) và vốn đối ứng địa phương là 40% (11,2 tỷ đồng). Dự án do UBND xã Đô Thành là chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Đại Việt.
Hơn 9 ngàn nhân khẩu tại xã Đô Thành vẫn chưa có nước sạch để dùng sau hơn 10 năm đóng tiền cùng chính quyền xây dựng nhà máy nước.
Trong quá trình triển khai dự án, do nguồn vốn đối ứng của địa phương eo hẹp chỉ có 403 triệu đồng nên chính quyền đã thu tiền của toàn bộ các hộ dân 14 xóm (2,5 triệu đồng/hộ) với tổng số tiền hơn 5,5 tỷ đồng để triển khai dự án giai đoạn 1. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vốn ngân sách Nhà nước bị cắt giảm chỉ mới giải ngân được trên 7,5 tỷ đồng.
Do thiếu nguồn vốn nên đơn vị thi đang thi công dang dở thì dừng. Sau đó, UBND xã Đô Thành đã giao một đơn vị khác tiếp tục xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Đô Thành và được thu phí quản lý, khai thác vận hành.
Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành và vận hành cấp nước sinh hoạt cho 7 xóm và 1 khu dân cư Vách Bắc với 1.469 hộ dân; lượng nước cấp trung bình là 7.500 m3, người dân trả phí theo quy định.
Ông Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết, việc người dân phản ánh là đúng, tuy nhiên số tiền thu được từ dân chính quyền thời điểm đó cũng đã thanh toán cho nhà đầu tư xây dựng công trình.
Giờ xã không biết lấy khoản nào mà trả cho dân. Vấn đề người dân thiếu nước sạch để sử dụng trong khi đã đóng tiền, đã được nhiều lần đề cập trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương. Song đến nay người dân vẫn chưa có nước sạch để dùng.
Zen Linh - Pháp luật Plus