Các đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất.
Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng chưa vững chắc và không đồng đều; thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm; nợ công toàn cầu tăng mạnh; thị trường hàng hóa, tài chính - tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế khu vực và thế giới.
COVID-19 đã làm thay đổi cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị và đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển theo hướng đề cao tinh thần tự lực, tự cường, chú trọng đầu tư và phát triển thị trường nội địa. Thích ứng thì tồn tại và phát triển, hoặc ngược lại.
Ở Việt Nam, COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có “đầu tàu” là TP Hồ Chí Minh đang phải thực hiện giãn cách xã hội.
Theo báo cáo của các cơ quan có trách nhiệm thì việc thực hiện “mục tiêu kép” từ đầu năm đến nay đạt kết quả tích cực... Tuy nhiên, cũng được nhận định còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch.
Dịch bệnh đang lây lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành, diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài. Sản xuất kinh doanh, sinh kế, việc làm, đời sống của dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp rất nhiều khó khăn; các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ đang phải “chống đỡ” rất vất vả.
Đất nước đang đứng trước những thách thức, do vậy đại biểu Quốc hội khóa này càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của dân. Cử tri, nhân dân cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu hành động như “chương trình” vận động.
Nhớ lại, vào cuối năm 1961, khi Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), một xã có phong trào trồng cây giỏi. Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã lúc trời đã gần trưa, nắng gắt.
Chủ tịch huyện cho người tìm được chiếc dù, định giương lên che nắng cho Bác thì Người quay lại hỏi Chủ tịch huyện: “Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, Bác có phải là vua đâu!”.
Bác Hồ lúc sinh thời cũng từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận. Đó là phẩm chất “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” mỗi đại biểu Quốc hội phải ý thức được.
Phát huy năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân đó là điều cuộc sống đang đòi hỏi.
Từ Tâm - Pháp luật Plus