Nghĩa đồng bào trong cơn khốn khó
Kinhte&Xahoi
Con ngõ nhỏ sâu trong lòng một huyện ngoại thành thuộc Đồng Nai, thường ngày vẫn lặng lẽ dưới những hàng cây, hôm nay bỗng nhiên nhộn nhịp hẳn. Một nhóm các bạn trẻ đang chở gạo đến căn nhà đã để sẵn tấm poster: “Gạo miễn phí cho người khó khăn”.
Một điểm phát gạo miễn phí tại Đồng Nai.
Cạnh đó, một hàng dài người đang đứng đợi, ai nấy đều tự giác tuân thủ quy định cách ly xã hội, đứng xa nhau 2 mét. Suốt hơn một tháng qua, cảnh này không phải là hiếm gặp. Các quầy hàng miễn phí, để sẵn gạo, mì, nước uống, nhu yếu phẩm kèm theo tấm bảng: “Nếu bạn khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Các “ATM phát gạo” nhanh chóng ra đời để đáp ứng nhu cầu vừa giúp đỡ được người nghèo vừa không phải tiếp xúc trực tiếp, phòng chống được dịch bệnh.
Dịch COVID-19 càng lan rộng, tình hình khó khăn càng nặng nề. Nhiều công ty, xí nghiệp đóng cửa, nhà hàng, quán cà phê không được phục vụ khách tại chỗ, rồi vé số cũng tạm ngừng phát hàng, nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp. Mà với người nghèo, những người phải chạy ăn từng bữa, cơn bĩ cực này lại bội phần nặng nề hơn nữa. Trước cảnh đó, không ai bảo ai, nhiều người có chút điều kiện không ngại ngần ra tay giúp đỡ, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”.
Mà thậm chí “lá rách ít” cũng sẵn sàng giúp đỡ “lá rách nhiều”. Nhiều bạn trẻ phải nghỉ việc vì dịch đã tình nguyện đến giúp đỡ các điểm hỗ trợ. Nơi xóm nghèo, anh Bảy chị Hai sẵn sàng đem chút thức ăn ít ỏi nhà mình san sẻ cho bà cháu cụ bán vé số nhà bên phải nằm nhà nhịn đói từ ngày xã hội cách ly. Trong cảnh khó, tình thương lại có cơ hội bày tỏ.
Nước mặn xâm thực làm đất đai nứt nẻ.
Nói nào ngay, trong lúc thế giới vật vã vì virus corona thì Tây Nam Bộ lại vướng thêm một thiên tai nữa, là hạn mặn. Nước mặn xâm thực làm đất đai nứt nẻ hết cả, đến nước để uống và sinh hoạt hằng ngày cũng không đào đâu ra được. Một miền Tây nổi danh trù phú, một vùng đất sông nước mênh mông nay phải lâm vào cảnh khô cạn đến mức không ai có thể tưởng tượng nổi. Thế là lại có thêm những lời kêu gọi quyên góp lắp máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, đưa xe chở nước về các vùng nhiễm mặn nặng để người dân có nước dùng đỡ trong khi đợi mùa mưa tới và cơn hạn mặn qua đi.
Của ít lòng nhiều, những lời kêu gọi phát ra đều được hưởng ứng nhiệt tình dù lúc này nạn trùng nạn, ai cũng đều khó khăn và phải vất vả lo cho cuộc sống riêng. Nhưng giúp người trong cảnh khó đâu phải là việc có thể nề hà và chối bỏ. Người giúp năm trăm, người góp vài chục, cùng mang nước sạch về cho đồng bào.
Quả thật, có khó khăn trăm bề mới biết tình nhân ái luôn là một tình cảm thiêng liêng.