Nghĩa Hưng - Nam Định: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM bền vững

15/10/2019 11:35

Kinhte&Xahoi Về Nghĩa Hưng những ngày này, chúng tôi được chứng kiến bức tranh nông nghiệp, nông thôn đổi mới sôi động và tràn đầy sức sống. Đó là thành quả của quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình thấp ở vị trí ven biển, cùng với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây nhiều hệ quả tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là phát triển nông nghiệp. Do vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp nói riêng là chiến lược quan trọng để khắc phục khó khăn, thích ứng với bối cảnh mới để đảm bảo hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân được nâng cao; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ…

UBND huyện Nghĩa Hưng.

Huyện ủy Nghĩa Hưng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 17); chỉ đạo chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa nghị quyết bằng các đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện. UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa phải đảm bảo phù hợp theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất; có cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các thành phần kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và hợp tác xã.

Trong thời gian qua, huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển trọng tâm từ sản lượng sang chất lượng và giá trị. Đối với cây lúa, các giống lúa dài ngày, năng suất cao nhưng chất lượng gạo thấp được thay thế nhanh bằng các giống mới ngắn ngày có năng suất khá, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường như: Bắc thơm số 7, Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, BC15, TBR225... Hiện diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng của huyện đạt 65% tổng diện tích/vụ.

Năm 2019, tổng diện tích các cánh đồng lớn của Nghĩa Hưng đạt 3.800ha; các cánh đồng này được nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn theo phương pháp “3 cùng” là cùng giống, cùng thời vụ, cùng quy trình thâm canh nên hiệu quả kinh tế tăng từ 10-15% so với phương pháp canh tác truyền thống.

Huyện đã xây dựng thành công các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực và một số chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với người nông dân; điển hình là vùng trồng dược liệu quy mô 230ha gồm các cây đinh lăng, ngưu tất tại các xã, thị trấn Nghĩa Minh, Hoàng Nam, Nghĩa Thắng, Nam Điền, Rạng Đông… liên kết theo chuỗi với Công ty Cổ phần Traphaco và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Thiên Phú cho thu nhập từ 280 -470 triệu đồng/ha/năm.

Huyện đã khuyến khích các địa phương thực hiện chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa, đất sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng, con nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn, hình thành các vùng sản xuất tập trung, gồm: vùng chuyên trồng hoa, cây cảnh ở thị trấn Liễu Đề; vùng chuyên canh cà chua tại xã Nam Điền và thị trấn Quỹ Nhất; vùng nuôi thủy sản mặn lợ tại các xã, thị trấn Nam Điền, Nghĩa Phúc, Rạng Đông và vùng nuôi Cồn Xanh; vùng nuôi nước ngọt tập trung ở 2 xã Nghĩa Bình và Nghĩa Châu. Đến nay, mỗi vùng đã phát huy được lợi thế riêng, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường như sản phẩm cá bống bớp, cá song, tôm thẻ chân trắng, cá chim trắng, cá lóc bông…

Một trong những nhiệm vụ của tái cơ cấu nông nghiệp là đổi mới tổ chức sản xuất phát triển các hợp tác xã thực chất, hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Huyện đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển. Hiện nay, các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp trong huyện đã chuyển đổi hoạt động tích cực theo Luật Hợp tác xã năm 2012 một cách hiệu quả rõ rệt.

Một số hợp tác xã đã chủ động liên kết với các công ty ký kết hợp đồng cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu là Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (xã Nghĩa Bình) sau chuyển đổi đã ký hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học kỹ thuật nông nghiệp VINABHTABA Bắc Ninh với quy mô trên 60ha lúa chất lượng cao; Hợp tác xã khai thác thủy sản Ngọc Lâm (xã Nghĩa Hải) chuyên khai thác thủy sản, chế biến các sản phẩm mắm tôm, nước mắm; Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh (xã Nam Điền) sản xuất, kinh doanh một số cây rau màu chủ lực như: cà chua, dưa, rau hẹ…

Sự phát triển của các hợp tác xã và các chuỗi liên kết do hợp tác xã làm cầu nối đã góp phần thúc đẩy các vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo từng lĩnh vực hình thành, thực hiện sản xuất theo quy hoạch, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên lượng nông sản hàng hoá ngày càng tăng, chất lượng được cải thiện, dần đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho nhân dân. Giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác của Nghĩa Hưng tăng lên đáng kể, năm 2019 ước đạt 115 triệu đồng/ha. Tái cơ cấu nông nghiệp được đẩy mạnh góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân.

Tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã góp phần đẩy nhanh tiến độ và kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Nghĩa Hưng vượt mốc kế hoạch đặt ra là 2 năm. Hiện các xã, thị trấn của huyện đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Huyện Nghĩa Hưng tiếp tục xác định tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Do đó, để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, từ canh tác, chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm; Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; Xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Từ đó, giúp địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững nông nghiệp, thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công ty nước sạch sông Đà phát hiện nước có váng dầu, 5 ngày sau mới báo cáo Sở Xây dựng

Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 9/10. Rất nhiều hộ dân ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và huyện Hoài Đức… (Hà Nội) phản ánh về việc nước do VIWASUPCO (Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà - doanh nghiệp sản xuất và cung cấp nguồn nước sạch sông Đà cho Hà Nội) sản xuất có mùi hóa chất nồng nặc.

Nguồn: KD&PL