Bức hình được cho là ghi lại cảnh thuyền chở dầu phế thải trên suối Trâm (xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) ngày 9/10
Ban Quản lý nhiều khu chung cư đã có văn bản thông báo về chất lượng nước tới cư dân. Một số ban quản lý nhà chung cư đã đưa mẫu đi xét nghiệm. Các đơn vị mua nước của Viwasupco bán cho người dân đã gửi nhiều văn bản cho Viwasupco, nhưng không được phản hồi phù hợp.
Ngày 11/10, TP đã lập đoàn kiểm tra liên ngành đi lấy mẫu nước ở một số điểm.
Ba ngày sau đó, ngày 14/10, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết nguyên nhân: “Người dân phản ánh phát hiện xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến tối 8/10. Sau đó địa bàn có mưa to dẫn đến dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm xã Phú Minh và lan đến kênh dẫn nước vào Nhà máy nước sạch sông Đà”, ông Thức dẫn báo cáo từ Sở TN&MT Hòa Bình.
Theo báo cáo từ Sở này, ngày 9-10/10, Nhà máy nước sông Đà phát hiện ra dầu loang trên kênh dẫn nước nên huy động người vớt dầu. “Doanh nghiệp biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm”, ông Thức nói.
Tổng cục Môi trường đã đề nghị Sở TN&MT Hòa Bình kiểm soát, doanh nghiệp chủ động có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa như quây lưới. “Chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và cơ quan công an truy tìm xe đổ trộm”, ông Thức đánh giá việc đổ trộm dầu là “hành động vô trách nhiệm”.
Theo ghi nhận, sáng 14/10, dòng suối Trâm (xã Phú Minh) cách kênh dẫn nước vào Nhà máy nước sạch sông Đà gần một km, nước đã trong trở lại nhưng vẫn nồng nặc mùi khét. Đáy suối là một lớp bùn đen kịt.
Một người dân xã Phú Minh cho biết, dầu thải loang khắp mặt nước suối Trâm từ tối 8/10. Anh lần theo ra suối thấy nước chuyển màu đen, mùi hắc và khét xộc lên mũi. Nguồn nước này dẫn vào hồ nuôi cá của gia đình, hệ quả là đàn cá trắm, cá chép gần một tấn chết nổi trắng hồ, chưa kể số ba ba nuôi trong bể, ước tính thiệt hại khoảng 70 triệu đồng.
Sáng 9/10, VIWASUPCO thuê khoảng 50 người dân vớt dầu loang, với chi phí 500 ngàn đồng một ngày công. Là một trong những người được thuê vớt dầu, một phụ nữ kể, công việc được mô tả chỉ là dọn cỏ, phát quang quanh suối. Tuy nhiên, đi gần đến nơi, bà và mọi người bất ngờ vì dòng suối bị phủ kín dầu.
“Một thứ mùi nồng nặc khó ngửi bốc lên khiến tôi cảm thấy buồn nôn, đeo khẩu trang vẫn ngửi thấy. Dầu đặc quánh, đổ qua phễu to cũng không chảy được, chúng tôi phải dùng que để chọc xuống các can 20 lít hoặc bao tải”, bà nói.
Ngày 14/10, năm ngày sau khi phát hiện nước đầu nguồn cung cấp cho Hà Nội nổi váng, VIWASUPCO mới báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội. VIWASUPCO cho biết khoảng 12h ngày 9/10, bảo vệ phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ (hồ có chức năng trung chuyển, sơ lắng, phục vụ tưới tiêu các xã lân cận) có váng chưa rõ nguyên nhân nên báo cáo lãnh đạo công ty hướng xử lý.
Doanh nghiệp đã đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian và xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy, đồng thời huy động toàn bộ công nhân đi kiểm tra, thông báo với chính quyền địa phương để điều tra.
Để xử lý váng dầu, VIWASUPCO đã sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước, thuê người vớt, thu gom toàn bộ váng trên bề mặt; bổ sung than hoạt tính để tăng cường xử lý, tăng lượng clo lên mức 0,8 mg/l (mức trước đây là 0,3-0,5 mg/l).
“Có thể khách hàng phản ánh nước có mùi lạ là do mùi clo, vì nước sau xử lý theo số liệu của Phòng hóa nghiệm công ty vẫn đảm bảo theo chất lượng của Bộ Y tế”, báo cáo gửi Sở Xây dựng Hà Nội nêu. Ngày 10/10, doanh nghiệp xả toàn bộ tuyến ống truyền tải, Trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ và giảm clo về 0,3-0,5 mg/l.
Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà đang cung cấp 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị “Sơn Tây - Hòa Lạc- Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông”.