Ngọn Hải đăng nơi địa đầu Tổ quốc
Kinhte&Xahoi
Những ngọn hải đăng không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương mà còn khẳng định cột mốc chủ quyền
Tọa lạc hiên ngang trên đỉnh núi Đầu Tán, phía bắc xã đảo Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái, hải đăng Vĩnh Thực là ngọn đèn biển ở vị trí đầu tiên trong số hơn 90 ngọn hải đăng trải dài ven biển trên các quần đảo của Tổ quốc.
Sừng sững trên đỉnh núi Đầu Tán, phía bắc xã đảo Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, hải đăng Vĩnh Thực là ngọn đèn biển ở vị trí đầu tiên trong số hơn 90 ngọn hải đăng trải dài ven biển trên các quần đảo của Tổ quốc. Để ngọn đèn vận hành suốt hơn nửa thế kỷ qua, có sự đóng góp to lớn, thầm lặng của những người công nhân nơi đây.
7h sáng, anh Nguyễn Đình Vượng, một trong 9 công nhân đang làm việc tại đây lại bắt đầu công việc của mình. Đã 15 năm gắn bó với hải đăng Vĩnh Thực, nhiệm vụ của anh vào ca sáng là vận chuyển nhiên liệu lên đỉnh ngọn hải đăng, báo cáo tình hình thời tiết và bảo trì, bảo dưỡng ngọn đèn. Đến khoảng 11h trưa, anh lại cùng với những người đồng nghiệp của mình thực hiện bảo trì máy phát điện, hệ thống pin, năng lượng mặt trời, dọn dẹp vệ sinh công nghiệp.
Gió trên cao như quất cái lạnh cuối đông vào da thịt. Khuôn mặt người công nhân gốc Hà Nội này đã đen sạm đi nhiều. Hồi mới làm, khó khăn lớn nhất đối với anh và đồng nghiệp là những đêm sấm chớp mưa bão. Những ngày ấy, ai phải trực ca tối đều phải là người gan dạ lắm, bởi những ngọn hải đăng thường là những địa điểm rốn sét, rất nguy hiểm. Thế nhưng thời gian trôi qua, ai nấy đều quen với công việc.
Anh Vượng tâm sự: Làm việc ở nơi hoang vắng này chỉ có mây trời, gió biển bầu bạn, nhiều lúc anh em cũng thấy rất cô đơn, đặc biệt là lúc giao thừa đón Tết. Nỗi nhớ nhà nhớ vợ con tuy không ai nói ra nhưng tất cả mọi người đều thấu hiểu, động viên nhau. Anh Nguyễn Đình Vượng, nói: “Thi thoảng cũng có một vài đoàn khách du lịch ra. Anh em cũng bận rộn hơn một chút nhưng dù sao nó cũng có không khí người nọ người kia, nhất là cũng có một chút gọi là“Những Bóng hồng”, anh em nhìn thấy, tiếp xúc trong lòng cũng cảm thấy cởi mở hơn. Do đặc thù công việc nên công tác thường ở những nơi xa vắng, trong cuộc sống thường nhật thì đó cũng là một niềm vui nho nhỏ để cho chúng tôi thêm gắn bó với côn việc ở đây.”
Để ngọn đèn vận hành suốt hơn nửa thế kỷ qua, có sự đóng góp to lớn của những người công nhân gác đèn biển. Công việc của họ thầm lặng và cao cả, như chính ngọn đèn mà họ đang ngày ngày thắp sáng.
Anh Vũ Văn Dụng người Hải Phòng, Trạm trưởng Trạm hải đăng Vĩnh Thực luôn xác định với anh em, ngọn đèn biển luôn phải được thắp sáng trong mọi điều kiện thời tiết. Trong quá trình vận hành, anh và đồng nghiệp phải thường xuyên kiểm tra để khi xảy ra sự cố phải luôn luôn có phương án dự phòng. Những đêm giao thừa phải trực tết, nơi biển đảo xa xôi, nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con khiến nhiều chàng công nhân trẻ không giấu nổi cảm xúc, nước mắt cứ thế trực trào tuôn ra: “Có những anh em mới trực tết, đến giao thừa anh em cũng tổ chức đón giao thừa, nhiều người vì nhớ nhà quá mà chạy xuống dưới, lên giường chùm chăn. Giao thừa chúng tôi chỉ có xem tivi, nghe Chủ tịch nước chúc mừng năm mới, rồi anh em mở rượu ra đón giao thừa thôi. Do ăn tết xa nhà đã quá nhiều năm rồi, nên đã là nghề là nghiệp, đã ngấm vào máu rồi thì chúng tôi luôn xác định rằng phải tiếp tục công việc thôi, coi như là không có ngày lễ ngày tết.”
Những ngọn hải đăng không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương bao la, mà còn khẳng định cột mốc chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Với mỗi ngư dân hay lái tàu trên biển, dù mưa bão, sóng cả, ngọn hải đăng như là niềm tin và sức mạnh tinh thần không nhỏ: “Bản thân tôi phải nói ý nghĩa ngọn hải đăng như một biển báo hỗ trợ cho giao thông đường thủy, nó rất có tác dụng khi trời mưa gió hoặc cho bà con ngư dân chúng tôi đi tàu đi bè. Lái tàu như tôi đôi khi không có ánh sáng ấy tôi không thể nào đi được, nhờ vào đó có thể xác định vị trí của con tàu bằng kinh nghiệm của chúng tôi. Nhìn ngọn hải đăng như là cả đất liền của mình nơi ấy”.
Ngoài thời gian làm việc, cuộc sống của những người gác đèn biển cũng giản dị, gần gũi khi cùng nhau tập thể dục thể thao, chơi cầu lông…cùng xuống thị trấn cách xa 15 km đi chợ nấu cơm, sinh hoạt như một gia đình.
“Tôi thực sự rất nể phục những người làm công việc ấy. Họ phải rất yêu nghề mới làm được công việc như vậy. Thậm chí là những ngày nghỉ, hay ngày lễ Tết. Ở đảo thì rất là tự hào khi mà có ngọn hải đăng này, nó tạo thành một nét đặc trưng riêng có. Nhìn ngọn đèn tôi cũng thấy mình gắn bó và yêu hơn mảnh đất này.”
Anh Nguyễn Văn Thắng và chị Lê Thu Hương, ngư dân trên đảo Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái tự hào khi nói về ngọn hải đăng nơi cực đầu tổ quốc như vậy.Không quản ngại gian khó, những người canh giữ ngọn hải đăng luôn tận tâm, tận lực để “đèn biển” sáng mãi giữa biển khơi bao la. Bởi, hơn ai hết, họ hiểu rằng ánh sáng tỏa ra từ những ngọn hải đăng không chỉ có tác dụng “soi đường, định vị” đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển mà nó còn mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông…./.