Người dân lo lắng khi Công Ty bánh kẹo Hải Hà - Kotobuki cho nhân viên có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đi bán hàng
Kinhte&Xahoi
Trong khi cả nước đã bước vào giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định phòng, chống dịch Covid-19 thì tại Công Ty bánh kẹo Hải Hà - Kotobuki vẫn cho nhân viên có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đi bán hàng tại các hệ thống cửa hàng của mình. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng.
Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, bùng phát tại nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, tác động nhiều mặt đến đời sống nhân dân và kinh tế, xã hội của đất nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc,” đội ngũ y tế, lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên, chính quyền địa phương đang ngày đêm căng mình chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.
Chị T là vợ anh Lăng Văn S - một trong những nhân viên giao hàng cho đại lý Trường Sinh ở BV Bạch Mai vẫn được công ty bánh kẹo Hải Hà - Kotobuki bố trí bán hàng tại hệ thống của mình
Tuy nhiên, phản ánh tới Thương hiệu & Công luận, bạn đọc cho biết, vào thời điểm từ ngày 10/3 - 25/3/, tổ lái xe và giao hàng của công ty bánh kẹo Hải Hà - Kotobuki gồm 9 người có thực hiện luân phiên việc giao hàng bánh kẹo cho đại lý Trường Sinh trong căng tin bệnh viện Bạch Mai. Trong số đó có 2 nhân viên là anh Lăng Văn S và anh Q sau khi tiến hành giao hàng và thu tiền vào 7h30 phút ngày 25/3 từ ổ dịch Bạch Mai trở về đã di chuyển đến nhiều địa điểm khác của công ty và trở về nhà tiếp xúc với gia đình và vợ con. Đáng lưu ý, vợ của anh S và anh Q đều là nhân viên bán hàng của công ty bánh kẹo Hải Hà – Kotobuki.
“Trong khi cả nước đang căng mình chống dịch thì vợ anh Q là chị Trịnh Thị L và vợ anh Lăng Văn S là chị T vẫn “vô tư” bán hàng thuộc hệ thống cửa hàng của công ty bánh kẹo Hải Hà – Kotobuki. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cao thì phải tự cách lý tại nhà và phải khai báo cho cơ sở y tế nơi mình sinh sống để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Thế nhưng, không hiểu vì sao công ty Hải Hà – Kotobuki vẫn để chị T và chị L đi làm nhiều ngày tại cửa hàng có địa chỉ ở số 6 phố Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình và chị L tại cửa hàng của chung cư Green Pear số 378 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Như vậy, vô hình chung các chị đã tiếp xúc với rất nhiều khách hàng vào mua bánh trong khi chồng của các chị là những người giao hàng trực tiếp tại đại lý Trường Sinh trong căng tin của bệnh viện Bạch Mai đang được cách ly tại nhà”, bạn đọc bức xúc cho biết.
Trước phản ánh của bạn đọc, PV đã trực tiếp đi đến những địa chỉ trên để ghi nhận sự việc và bước đầu thấy những phản ánh trên là có cơ sở. Theo đó, vào đầu giờ chiều ngày 1/4 PV đã đi đến địa chỉ số 6 phố Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình (Hà Nội) thì thấy chị T là vợ anh S vẫn đang bán hàng cho khách. Tìm hiểu được biết, ca bán hàng của chị T ngày 1/4 bắt đầu từ lúc 7h30 sáng và hết ca vào khoảng 14h cùng ngày.
Tại hệ thống cửa hàng Hải Hà – Kotobuki ở địa chỉ chung cư Green Pear số 378 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), PV có mặt đúng lúc chị Trịnh Thị L đang giao ca với đồng nghiệp của mình. Qua trao đổi, cả chị L và chị T đều xác nhận, chồng của mình hiện đang được cách ly tại nhà.
Chị Trịnh Thị L đang bán hàng tại hệ thống cửa hàng Hải Hà – Kotobuki ở chung cư Green Pear số 378 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Ảnh cắt từ clip)
Trao đổi với PV, bác sĩ Đỗ Quang Thuần, GĐ bệnh viện Bắc Thăng Long – một trong những BV tuyến đầu của TP. Hà Nội trong việc tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 cho biết, đối với trường hợp của anh S và anh Q (người giao hàng cho đại lý Trường Sinh tại bệnh viện Bạch Mai) thuộc đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao thì phải sàng lọc triệt để. Tức là phải cho test nhanh và nếu có biểu hiện nghi ngờ thì phải cho làm xét nghiệm đặc hiệu PCI để khẳng định thêm một lần nữa. Nếu trường hợp xét nghiệm mà dương tính với vi rút Covid-19 thì phải sẽ thông báo đối với những người đã từng tiếp xúc để khoanh vùng.
Bác sĩ Thuần cho biết thêm, nếu những ca bệnh dương tính với Covid-19 của công ty Trường Sinh mà anh S và Q đã từng tiếp xúc thì 2 anh sẽ là F1. Vì vậy, việc ưu tiên hàng đầu bây giờ là cần phải điều tra dịch tễ. Còn trường hợp không tiếp xúc gần thì được coi là những người có nguy cơ từ vùng dịch tễ và những người này phải được cách ly tại nhà trong 14 ngày. Tuy nhiên, việc cách ly phải có sự giám sát và hướng dẫn của cơ quan y tế.
“Nếu cách ly tại nhà thì cá nhân người bị cách ly phải được ở phòng riêng. Những người trong gia đình nếu có phục vụ thì chỉ được phục vụ từ xa. Tức là, cửa phòng của người bị cách ly sẽ luôn phải đóng và trước cửa phòng đó sẽ kê một cái bàn với mục đích để đồ ăn thức uống cho người bị cách ly. Còn nếu cách ly ở nhà mà sống chung với vợ con thì không đúng với nguyên tắc cách ly. Vì nếu cách ly như vậy thì cả nhà sẽ bị lây nhiễm chéo và như vậy sẽ không đúng với mục tiêu và kĩ thuật cách ly”, bác sĩ Đỗ Quang Thuần nói.
Chia sẻ thêm với PV, theo bác sĩ Thuần, đối với những trường hợp người bị cách ly không có phòng ở, phòng tắm riêng thì những người trong gia đình cũng sẽ cùng bị cách ly. Những trường hợp này sẽ phải báo với tổ dân phố, chính quyền địa phương để được hỗ trợ về thực phẩm, nước uống.
Như vậy, trước sự việc này có thể thấy, Công ty Bánh kẹo Hải hà – kotobuki đã vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây đang là thời điểm cả đất nước đang bước vào giai đoạn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao chính vì vậy, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, TP. Hà Nội và Tổng công ty thuốc lá Việt Nam cần vào cuộc xác minh, làm rõ. Nếu có sai phạm, đề nghị xử lý nghiêm minh nhằm chấn chỉnh, răn đe đối với những trường hợp sai phạm khác.