Người dân nông thôn... vào mùa cỗ
Kinhte&Xahoi
Cuối năm ngoài việc đồng áng, các gia đình ở thôn quê còn phải lo chuyện cỗ bàn. Từ cưới xin, tân gia, họp họ... đều cần đến cỗ. Nếu như ở thành phố, chỉ cần đặt nhà hàng, khách sạn, nhưng ở nông thôn, cỗ bàn là việc của một nhà nhưng cả họ đều chung tay!
Như một nếp sống
Chỉ cách nội thành trên chục cây số, nhưng việc cỗ bàn ở quê vợ tôi vẫn duy trì nếp sinh hoạt như cách đây nhiều năm. Mỗi khi nhà có đám, gia đình phải mời tất cả thành viên trong họ, bà con trong xóm, ngoài làng đến họp bàn và Trưởng họ sẽ là người điều phối mọi công việc liên quan đến chuyện cỗ. Già có việc của già, trẻ lo việc của trẻ... Mỗi gia đình trong họ, ai cũng cắt đặt công việc để có tối thiểu một người tham gia giúp nhà có đám. Do đó, mỗi khi trong họ tộc có cưới xin, cả họ đều bận rộn.
Viêc chế biến cỗ tại vùng nông thôn thường được là tại gia đình
Từ chiều hôm trước đến rạng sáng hôm sau, gần như cả họ tất bật với các công đoạn để chuẩn bị cỗ. Các bà các chị đảm nhiệm việc rửa rau, vặt lông gà lông vịt; trung niên, trai tráng thì người mổ lợn, người làm giò, thái thịt... Các món nguội như giò chả, thịt gà luộc được làm sẵn và 5 giờ sáng đã bày sẵn lên mâm. Món canh riêu, xào rán cũng được ướp sẵn mắm muối. Sáu giờ sáng đã có khách đến dự, lúc đấy chỉ cần vài món xào rán, canh riêu là sẽ có mâm cỗ tươm tất…
Ở thành thị, thông thường các gia đình tổ chức tiệc cưới vào trưa hoặc cuối chiều để phù hợp với công việc của nhiều người; nhưng ở các vùng quê ven đô, người dân vẫn có thói quen đi ăn cưới vào buổi sáng sớm. Mới hừng đông, trong làng, ngoài thôn đã ý ới tiếng gọi nhau đi ăn cỗ. Bất kỳ đám to hay nhỏ, 6 giờ sáng khách khứa đã tấp nập, ngoài 7 giờ cỗ bàn đã vãn. Tuy ở nông thôn, nhưng đa phần người trong độ tuổi lao động đều “ly nông”, trẻ một chút thì vào các công ty, xí nghiệp, trung niên thì làm thợ hồ trong làng ngoài xóm, hoặc ra thành phố làm thuê đủ nghề… không ăn sớm thì sao kịp giờ. Bởi vậy, khi người thành phố còn ngái ngủ, ở nơi chỉ cách quận Hà Đông trên chục cây số, người dân đã ăn xong cỗ.
Muốn “chuyên nghiệp” cũng khó…
Chuyện cỗ cưới với người thành thị quả là đơn giản, nhiều tiền thì khách sạn 4, 5 sao, ít thì nhà hàng bình dân. Còn ở nông thôn, dẫu có tiền mà không có anh em, họ mạc, hàng xóm láng giềng, dẫu việc to hay nhỏ cũng khó chu toàn. Vì vậy, nhiều gia đình có điều kiện vẫn phải “lụy” anh em họ hàng. Bởi tuy ngoại thành nhưng ở quê vợ tôi chật chội lắm, chả mấy nhà được rộng rãi. Vì vậy chỉ cần đám cỡ trăm mâm cỗ là phải “trưng dụng” nhà anh em chòm xóm để lấy chỗ nấu và ăn.
Ở nông thôn, mỗi khi gia đình có đám, họ hàng anh em đều tập trung giúp đỡ
Trước đây đã có vài trường hợp cưới xin vì muốn đổi mới và cũng đỡ làm phiền họ hàng, bèn cách thuê người nấu, làm sẵn cỗ rất thịnh soạn, nhưng khi mời anh em họ hàng, bà con hàng xóm, họ chỉ đến mừng tiền kiểu “trả lễ”, không mấy người mặn mà chuyện ăn uống... Sau vài đám như thế, không ai trong làng còn dám mời thợ nấu cỗ mỗi khi nhà có việc. Với người thôn quê, chuyện ra rất đơn giản là… có làm mới dám ăn và chuyện làm cỗ trở thành thước đo tình làng, nghĩa xóm. Làm cỗ dẫu vất vả, nhưng bù lại trong họ, ngoài làng – ai cũng vui.
Tuy nhiên, qua chuyện cỗ bàn nơi thôn quê, bên cạnh nếp sống đẹp bởi tình làng nghĩa sớm, cũng còn những điều đáng suy ngẫm, đặc biệt tại thời điểm kinh tế giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bởi có nhiều gia đình, cứ đến những tháng cuối năm là liên tục nhận được lời mời, từ dám cưới, đám cải cát đến giỗ đầu…mà không thể không đi. “Việc đi ăn cỗ là bắt buộc con ạ, dẫu bận đến mấy đều phải có mặt, vì ở quê người ta rất kiêng chuyện gửi phong bì. Quanh năm suốt tháng chả mấy khi ra khỏi làng, tại sao lại vắng mặt khi được mời cỗ. Vả lại khi nhà mình có việc, người ta đã đến chia vui, sẻ buồn, đến việc của họ, nếu mình không có mặt thì ra đường liệu có dám ngẩng đầu ?”- một người dân chia sẻ.
Hiện nay ở một số vùng quê, chuyện cỗ bàn còn hết sức nặng nề, nhiều trường hợp dẫu khó khăn nhưng khi dựng vợ, gả chồng cho con vẫn phải mời cả làng để "bằng thiên hạ". Kết cục là khi xong việc, chi phí quá tốn kém, thu không đủ bù chi. Vậy mới xuất hiện câu hỏi cửa miệng: Đám cưới nhà ông (bà) lỗ hay lãi – Lắm khi cười ra nước mắt.
Trần Thụ - Theo KTĐT