Chiều 20/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, tình hình dịch bệnh của Hà Nội vẫn đứng trước nhiều nguy cơ, nếu không chống dịch quyết liệt hơn nữa, thì dịch càng dễ lây lan.
Ban Thường vụ Thành ủy đã đồng ý với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h ngày 6/9 và giao UBND TP ban hành Công điện mới với tinh thần giãn cách thực chất, quyết liệt, hiệu quả hơn.
Hà Nội tiếp tục giãn cách đến 6h ngày 6/9
Ngay sau khi biết thông tin này, rất nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình với quyết định của TP. Chị Hoàng Thị Hương Liễu, nhân viên văn phòng, sống tại khu Ngoại giao đoàn Hà Nội chia sẻ, sau khi đọc báo thấy thông tin chính thức Hà Nội tiếp tục giãn cách chị cảm thấy hoàn toàn yên tâm và ủng hộ quyết định của thành phố.
"Tôi cũng như nhiều người dân đều nhận thấy rằng, Hà Nội cần thêm thời gian giãn cách để chủ động, có điều kiện sàng lọc các trường hợp F0 trong cộng đồng, đồng thời, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19, giữ vững thành quả phòng chống dịch. Nếu không tiếp tục thực hiện giãn cách sẽ rất dễ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, đặc biệt dịp nghỉ lễ 2/9 tới đây, cán bộ, công nhân, viên chức được nghỉ 4 ngày có thể dẫn đến tình trạng đi lại quá nhiều sẽ tiếp tục lây lan dịch bệnh. Tuy có hơi bất tiện nhưng tôi nghĩ việc giãn cách lúc này là cần thiết", chị Liễu chia sẻ.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Sơn, nhân viên kinh doanh sống ở Phủ Lỗ, Đông Anh cho biết, quyết định giãn cách khiến cho cuộc sống và việc đi lại có chút khó khăn nhưng hợp lý và cần thiết.
“Đợt này khu nhà tôi đang cách ly vì xuất hiện ca F0 rồi nên gia đình đã xác định là sẽ không ra ngoài trong thời gian tới. Chính vì thế, tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của thành phố. Nếu không giãn cách thì tôi có phần lo lắng vì hiện nay đang có rất nhiều nhiều ca F0 trong cộng đồng. Mới đây nhất đọc báo, tôi thấy chung cư HH4C Linh Đàm mới xuất hiện 27 ca F0”, anh Sơn chia sẻ.
Về việc chuẩn bị nhu yếu phẩm, theo anh Sơn, công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ cho người dân tại Hà Nội cũng rất tốt. Người dân phải cách ly hay ở nhà trong thời gian giãn cách đều yên tâm, khi được cả xã hội quan tâm, chia sẻ. Tất cả người dân đều cảm nhận rõ việc cần làm lúc này là cùng chung tay chống dịch để Hà Nội sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Ngay sau khi có thông tin Hà Nội chính thức quyết định giãn cách đến 6h ngày 6/9, nhiều người dân cũng bày tỏ đồng tình trên mạng xã hội với quan điểm, nghỉ lễ 2/9 nếu không giãn cách thì người dân sẽ tiếp tục đi lại, nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó đây là quyết định kịp thời và sáng suốt lúc này.
Một cá nhân chia sẻ trên mạng xã hội sau khi Hà Nội thông báo giãn cách
Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 6/9 trên phạm vi toàn thành phố và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, ngoài nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố, xã, phường cách ly với xã, phường... Hà Nội kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó" nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.
Trước đó, nhằm đảm bảo cho người dân Thủ đô yên tâm trong thời gian Hà Nội giãn cách, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ những người nghèo, những người mất việc làm, khó khăn trong thời gian chống dịch bệnh.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của thành phố "không để người dân nào bị thiếu đói, ốm đau mà không được quan tâm", bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 3642 của UBND thành phố Hà Nội về hỗ trợ người lao động khó khăn do Covid-19, các cấp, các ngành, các đơn vị của thành phố đã kịp thời hỗ trợ cho những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Đáng chú ý, các cấp Công đoàn thành phố đã chăm lo, hỗ trợ cho 38.590 lượt người lao động khó khăn với tổng số tiền 37,73 tỷ đồng. Các quận, huyện đã hỗ trợ 50.582 lượt người, hộ gia đình gặp khó khăn trên địa bàn với kinh phí 19,92 tỷ đồng…
Theo báo cáo của Sở Công thương, qua 2 đợt giãn cách, Hà Nội luôn luôn đảm bảo nhu cầu của người dân và triển khai các giải pháp nhằm sẵn sàng thích ứng trong tình hình mới. Mặc dù, một số chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa nhưng nguồn cung của thành phố vẫn được đảm bảo. Các doanh nghiệp đều được chỉ đạo dự trữ kho hàng từ 3-5 lần.
Thành phố đã thực hiện tốt tuyên truyền nên sau 2 đợt thực hiện giãn cách không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng. Hiện có hơn 8.000 điểm bán hàng bình ổn giá. Thành phố tiếp tục mở thêm hàng trăm điểm bán hàng của bưu điện, các địa phương cũng triển khai các điểm bán hàng lưu động, đa dạng hóa các mặt hàng phục vụ Nhân dân.
Ánh Dương - TTTĐ