Nguy cơ bệnh thủy đậu gia tăng, nhiều biến chứng nguy hiểm
Kinhte&Xahoi
Các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội những ngày gần đây ghi nhận nhiều ca mắc thủy đậu ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp bệnh tưởng nhẹ nhưng lại rất nguy hiểm khi bị biến chứng.
Sáng 20-3, theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Khoa Bệnh nhiệt đới của bệnh viện đã điều trị nội và ngoại trú cho gần 10 bệnh nhân mắc thủy đậu, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ.
Bệnh nhi mắc thủy đậu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông), nhiều trường hợp bệnh tưởng nhẹ nhưng lại rất nguy hiểm khi bị biến chứng, nhất là với những trường hợp chưa được tiêm vắc xin, không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
Điển hình là chị Đ.T.T.H, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông. Khi mắc thủy đậu, chị H bị sốt, đau đầu, đau họng và ngứa rát toàn thân. Sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện, các nốt phỏng thủy đậu vẫn còn xuất hiện nhiều trên mặt và toàn thân. Bệnh nhân này chưa tiêm vắc xin phòng thủy đậu.
Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) đang điều trị cho một bệnh nhi 9 tháng tuổi mắc thủy đậu. Do chưa được tiêm phòng nên khi mắc, bệnh nhi bị biến chứng, dẫn tới viêm phổi, xuất hiện nhiều nốt phỏng thủy đậu trên mặt, trên người…
Tương tự, từ đầu năm 2024 đến nay, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đã điều trị nội trú cho 16 bệnh nhân mắc thủy đậu nặng và 58 ca điều trị ngoại trú, gồm cả người lớn và trẻ nhỏ.
Bệnh nhân mắc thủy đậu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 20-30 ca thủy đậu/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 202 trường hợp mắc thủy đậu (giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, với thời tiết giao mùa như hiện nay, dự báo, số ca mắc có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới.
Thủy đậu là bệnh do vi rút varicella zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Bệnh có khả năng lây lan cao, lên đến 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vắc xin.
Dấu hiệu nhận biết đặc trưng của thủy đậu là phát ban, nổi mụn nước nhỏ chứa đầy dịch, gây ngứa. Trong vài ngày, các mụn nước sẽ vỡ ra và rỉ nước, sau đó đóng vảy trước khi lành lại. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với người nhiễm vi rút.
Tiêm vắc xin phòng thủy đậu tại Đơn nguyên tiêm chủng (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông).
Bệnh thủy đậu đa số lành tính, hồi phục trong khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa I Đinh Thị Uyên, Phụ trách Đơn nguyên tiêm chủng (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) chia sẻ, thủy đậu không chỉ là bệnh ngoài da để lại sẹo, mà có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm tai ảnh hưởng đến thính lực… Thủy đậu đặc biệt nguy hiểm với bà bầu, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người có bệnh nền. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh thủy đậu và tránh nguy cơ biến chứng hiệu quả nhất.
Để phòng bệnh thủy đậu, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thùy Dương, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) khuyến cáo, người dân cần vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ; sử dụng đồ dùng sinh hoạt riêng; vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Cùng với đó, tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 9 tháng tuổi để phòng bệnh, tránh lây lan. Tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà, tránh bệnh tiến triển nặng.
Thu Trang - Hà Nội mới