Đó là một trong những nội dung mà ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Phó Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam) trả lời phóng viên Pháp luật Plus về tình trạng một số cán bộ biến chất bao che, bảo kê cho cái xấu hoành hành.
Nhà xưởng của Công ty Lâm Quyết hoang phế sau đợt chiếm đóng của nhóm Đường “Nhuệ”. (Ảnh: báo Tuổi trẻ đời sống)
Gần đây nhất là vụ án Nguyễn Xuân Đường, (trú ở Thái Bình) có hành vi đánh người, cố ý gây thương tích ngay tại trụ sở Công an. Mặc dù gia đình nạn nhân gửi đơn tố cáo nhiều lần nhưng cũng chỉ nhận được sự im lặng đến khó hiểu. Sốc hơn nữa là gia đình nạn nhân đã nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chức năng là…chưa xác định được bị can.
Liên quan đến hành vi của Nguyễn Xuân Đường, dư luận đặt câu hỏi vì sao Nguyễn Xuân Đường lại có thể lộng hành, làm điều phi pháp trong nhiều năm mà không bị cơ quan chức năng phát giác, không bị ngăn cản?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, sự việc mà người dân, cử tri phản ánh là có cơ sở. Chỉ cần lướt qua các bài báo về tình trạng sử dụng nhiều kẻ xăm trổ vào các vụ cưỡng chế đất các dự án BOT, xây dựng, khai thác cát sỏi xảy ra ở Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, phú Thọ, Bắc Ninh... đã đủ thấy độ phức tạp và phạm vi rộng lớn của tình trạng này.
Đây là vấn đề khá phổ biến, đã được thảo luận nhiều tại nghị trường. Cử tri và nhân dân rất bức xúc, vì gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, thiệt hại cho người dân. Điều nguy hiểm hơn cả, nó sẽ là “mầm” của tình trạng vô chính phủ.
"Nếu không có biện pháp trấn áp kịp thời, tình trạng này sẽ tạo cơn lốc về cường loạn xã hội, kiểu "sứ quân", là điều kiện cho cái xấu, cái vi phạm hoành hành, gây tổn thương xã hội và con người, mất niềm tin của người dân vào thượng tôn pháp luật và nếu không triệt bỏ sẽ gây hậu quả khôn lường" - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
Cũng theo phân tích của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, tình trạng này không khó phát giác, có điều một số bộ phận trong lực lượng chức năng chưa làm tròn chức phận, thậm chí còn "bảo kê " hoặc "làm ăn" cùng các đối tượng. Nhiều người dân do ngại hoặc bị đe dọa, sợ liên lụy, sợ trả thù, sợ không được bảo vệ dẫn đến không dám tố cáo, đấu tranh, vì thế lại trở thành điều kiện cho cái xấu lên ngôi.
Hành vi đánh người tại trụ sở Công an của Nguyễn Xuân Đường đã thể hiện sự ngang tàng, bất chấp luật pháp. Theo lời tố cáo của gia đình nạn nhân là bà Đinh Thị Lý ở Thái Bình, khi cánh cửa phòng tiếp dân của Công an phường Trần Lãm được khép lại thì Nguyễn Xuân Đường cùng đàn em ở bên trong lại chửi bới, dọa sẽ giết cả nhà rồi ngang nhiên hành hung mặc gia đình kêu cứu.
"Vụ việc này xảy ra ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, có chứng cứ rõ ràng nhưng Cơ quan điều tra không tổ chức thực nghiệm hiện trường mà vội vàng kết luận chưa xác định được bị can trong vụ án là quá vô lý. Phải chăng có dấu hiệu bao che, dung túng cho tội phạm?”- đơn của bà Đinh Thị Lý trình bày rõ. Hay như trường hợp vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết - những người từng tố cáo băng nhóm Nguyễn Xuân Đường và cán bộ công an bảo kê - cũng đã bất ngờ được TAND cấp cao cho tại ngoại sau hơn 2 năm ngồi tù.
Trên thực tế, còn rất nhiều đối tượng có hành vi tương tự như Nguyễn Xuân Đường, đó là đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích ở một số tỉnh thành nhưng chưa bị phát giác. Nguyên nhân vì họ sợ bị trả thù, sợ không có ai bảo vệ nên không dám tố cáo. Nếu như tình trạng này vẫn còn hoành hành và kéo dài, bảo kê sẽ là “mầm” của tình trạng vô chính phủ, sẽ tạo cơn lốc về cường loạn xã hội.