Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi mặt của đời sống xã hội. Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần tạo nên thành công đó là công tác xây dựng hệ thống pháp luật (HTPL) và thi hành pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống đang đặt ra ngày càng cao yêu cầu hoàn thiện HTPL.
Những hạn chế, bất cập của HTPL được nhắc đi nhắc lại qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội vẫn là do việc chấp hành chưa nghiêm; trách nhiệm của người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị chưa cao; các giải pháp trong xây dựng pháp luật chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả; hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật chưa thực sự gắn kết; đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật còn mỏng về số lượng, một bộ phận còn phải kiêm nhiệm, năng lực chưa tương xứng với yêu cầu công việc; nguồn lực dành cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chưa thật chặt chẽ, hiệu quả.
Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022.
Việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo trong một số trường hợp cũng chưa được chú trọng dẫn đến nội dung dự án, dự thảo pháp luật chưa bảo đảm tính thống nhất của HTPL, phải kéo dài thời gian thông qua hoặc ban hành.
Tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục có nhiều biến động, diễn biến phức tạp. Quá trình xây dựng đất nước, khôi phục kinh tế “hậu Covid-19” đang gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước.
Dễ nhận thấy, rất nhiều chủ trương cải cách đúng đắn trong đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô chậm được thể chế hóa hoặc chậm trễ, kéo dài trong tổ chức thực hiện. Điều này cản trở sự phát triển, giải phóng nguồn lực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Rất dễ sẻ chia với Thủ tướng, khi ông đề nghị các bộ trưởng, “tư lệnh” ngành đầu tư nhiều hơn nữa, dành thêm nhiều thời gian và công sức để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, quy hoạch, chiến lược trong lĩnh vực quản lý.
Đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nghị quyết các đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược.
HTPL ổn định, thống nhất, có hiệu lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn vẫn đặt ra cấp bách.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus