Diện tích đất rừng giảm
Theo quy hoạch đất rừng tại Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 1-2-2013 của UBND thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ có 1.556,85ha đất rừng. Còn theo Bản đồ kiểm kê rừng năm 2015, diện tích rừng của huyện Chương Mỹ là hơn 1.600ha, nằm trên địa bàn 6 xã, thị trấn, là: Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Xuân Mai. Trong đó, rừng phòng hộ là 1.117,37ha, rừng sản xuất là 485,75ha. Kết quả kiểm kê này đã được chính quyền các cấp của huyện Chương Mỹ ký xác nhận với ngành lâm nghiệp để xây dựng phương án quản lý, bảo vệ.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm, tại Báo cáo số 564/BC-UBND ngày 24-7-2024 của UBND huyện Chương Mỹ (thực hiện rà soát, kiểm kê hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp theo Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 18-2-2022 của UBND thành phố Hà Nội), diện tích rừng, đất lâm nghiệp của huyện Chương Mỹ bị sụt giảm mạnh. Cụ thể, huyện Chương Mỹ chỉ còn 660,31ha rừng, trong đó rừng phòng hộ là 506,13ha, rừng đặc dụng là 38ha, rừng sản xuất là 116,18ha. Diện tích đất rừng chỉ còn nằm trên địa bàn 4 xã, thị trấn: Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến và Xuân Mai. Hai xã Trần Phú, Hoàng Văn Thụ đã không còn đất rừng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về bất cập này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ Trịnh Bá Thường lý giải, nguyên nhân chính là do sự chồng lấn giữa đất rừng với các loại đất khác nhiều năm chưa được tháo gỡ. Sau khi huyện Chương Mỹ chuẩn hóa số liệu hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp vào bản đồ kiểm kê rừng năm 2015, diện tích chồng lấn lên tới 977,99ha, gồm: Đất an ninh 11,86ha, đất quốc phòng 146,88ha, đất sản xuất phi nông nghiệp 73,25ha, đất ở khu dân cư 90,87ha, đất nông nghiệp 131,73ha, đất thuộc địa giới tỉnh Hòa Bình 461,89ha…
Còn tồn tại trong công tác quản lý đất rừng
Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), thực tế không chỉ có tình trạng quy hoạch đất rừng chồng lấn lên đất khác, mà các quy hoạch khác triển khai sau cũng chồng lấn lên đất rừng, đất lâm nghiệp, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Đáng lưu ý, nhiều diện tích đất rừng trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn bị lấn chiếm, chuyển đổi sai mục đích.
Điển hình về tình trạng lấn chiếm, chuyển đổi sai mục đích đất rừng trên địa bàn huyện Chương Mỹ như: 12 trường hợp xây dựng, san gạt đất rừng phòng hộ trái phép tại xã Nam Phương Tiến chưa được xử lý dứt điểm; tại tổ dân phố Tân Bình (thị trấn Xuân Mai) “mọc” lên khu dân cư đông đúc trên đất dự án trồng rừng theo Chương trình PAM - 3352 của Chính phủ; đầu năm 2024 vừa qua cũng tại thị trấn Xuân Mai có khoảng 3.330m2 đất quy hoạch phát triển rừng phòng hộ bảo vệ môi trường thuộc các lô 191, 192, 193, 194, 195, 196, khoảnh 1, tiểu khu 10018 bị một số đối tượng tự ý san gạt, đào đất, chuyển nhượng, xây dựng nhà kiên cố trái phép…
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, về những vi phạm nêu trên, các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ cần làm rõ xem rừng chồng lấn nhà dân hay nhà dân đang chồng lấn vào đất rừng (!?). Tương tự, đối với các diện tích đất rừng được cho là chồng lấn khác, UBND huyện Chương Mỹ muốn đưa ra khỏi quy hoạch rừng phải có đầy đủ hồ sơ, căn cứ pháp lý chứng minh với thành phố. Đồng thời, huyện Chương Mỹ phải chỉ ra được những bất cập này thuộc trách nhiệm của cấp, ngành, đơn vị nào. Đặc biệt, đối với diện tích 461,89ha đất rừng trên địa bàn các xã: Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú và thị trấn Xuân Mai đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1860/QĐ-TTg ngày 21-10-2011 điều chỉnh chuyển về địa giới hành chính huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), nhưng tại sao vẫn được cập nhật, kiểm kê vào hiện trạng rừng của thành phố Hà Nội cũng cần được làm rõ...
Một số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý môi trường nghi ngại, việc huyện Chương Mỹ xin đưa ra ngoài quy hoạch 977,99ha rừng và đất lâm nghiệp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển lâm nghiệp của Thủ đô giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. Bởi vì, trong Kế hoạch số 57/KH-UBND, thành phố đặt ra mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp Thủ đô thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng Hà Nội vào phát triển kinh tế, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững cho thành phố; phấn đấu nâng độ che phủ rừng ổn định của Hà Nội ở mức 5,67%...
Do vậy, để bảo đảm mục tiêu đó, UBND huyện Chương Mỹ và ngành lâm nghiệp Hà Nội cần sớm có giải pháp tháo gỡ những bất cập nêu trên để quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiệu quả nhất, góp phần bảo vệ “lá phổi xanh tự nhiên” cho Thủ đô
hanoimoi.vn