Nhiều chính sách quan trọng, nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2023

02/09/2023 08:33

Kinhte&Xahoi Thay đổi cách đánh giá công chức, viên chức; Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công; Tăng trợ cấp hằng tháng cho cán bộ xã già yếu...

Thay đổi cách đánh giá công chức, viên chức

Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định số 48/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/9, với 05 điểm mới trong trong đánh giá công chức, viên chức.

Trước hết, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP bổ sung hướng dẫn xếp loại công chức, viên chức bị kỷ luật Đảng. Quy định cũ tại khoản 4, Điều 2, Nghị định 90/2020/NĐ-CP chỉ nêu sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để liên thông đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng viên. Điểm mới trong đánh giá công chức từ 15/9/2023 đã bổ sung chi tiết hướng dẫn xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã bị kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính.

Bộ Giao thông vận tải quy định, nhân viên hàng không bị tạm đình chỉ ngay công việc trong 8 trường hợp (Ảnh: Như Quỳnh).

Điểm mới thứ hai, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP này sửa tiêu chí xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, một trong các tiêu chí làm căn cứ xếp loại cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đã được sửa từ “có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá” thành “có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá”.

Như vậy, thống nhất ở cả cán bộ, công chức, viên chức việc bỏ cụm từ “trong quá trình thực thi nhiệm vụ”. Đồng nghĩa với đó là, mở rộng phạm vi đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Từ 15/9/2023, không còn giới hạn những hành vi bị kỷ luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ nữa mà trong bất cứ trường hợp nào, khi bị kỷ luật trong năm đánh giá thì cán bộ, công chức, viên chức đều có thể bị xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Điểm mới thứ ba, thay đổi phương thức lưu trữ kết quả đánh giá, xếp loại. Phương thức lưu trữ tài liệu kết quả đánh giá xếp loại chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức từ việc phải thể hiện bằng văn bản thì từ 15/9/2023, phương thức lưu giữ tài liệu này còn được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Điểm mới thứ tư là Nghị định quy định không xem xét lại kết quả xếp loại chất lượng trước 15/9/2023. Theo đó, những trường hợp đã có kết quả xếp loại chất lượng trước ngày 15/9/2023 sẽ không được xem xét lại. Các trường hợp cấp có thẩm quyền thực hiện xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng trước ngày 15/9/2023, tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm đó, tức là vẫn áp dụng quy định cũ tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Điểm mới cuối cùng của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP là về việc ban hành quy chế đánh giá.

Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phản ánh vướng mắc, thiếu căn cứ pháp lý để xử lý một số tình huống phát sinh trong công tác cán bộ. Một số quy định cần sửa đổi để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật như thẩm quyền đánh giá, xếp loại; quy định về việc ban hành Quy chế đánh giá...

Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thì việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 90 là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng lên 2.055.000 đồng, so với mức cũ là 1.624.000 đồng. Như vậy, mức chuẩn trợ cấp người có công mới đã tăng lên hơn 26%.

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP cũng nêu rõ mức chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Nghị định 55/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05/9/2023.

Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định Nghị định số 55/2023/NĐ-CP được thực hiện kể từ ngày 1/7/2023.

Tăng trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc

Theo Thông tư số 11/2023/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/9/2023, từ ngày 01/7/2023, điều chỉnh tăng thêm 12,5% mức trợ cấp hàng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023 đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 42/2023/NĐ-CP.

Theo đó, mức trợ cấp hàng tháng được hưởng từ 01/7/2023 tính theo công thức:

Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng từ ngày 01/7/2023 = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023 x 1,125.

Nếu sau khi điều chỉnh mà mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được hưởng thấp hơn 03 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh tăng thêm như sau:

Những người có mức hưởng trợ cấp hàng tháng dưới 2,7 triệu đồng/người/tháng: Được tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng;

Những người có mức hưởng trợ cấp hàng tháng từ 2,7 triệu đồng/người/tháng đến dưới 03 triệu đồng/người/tháng: Được tăng lên bằng 03 triệu đồng/người/tháng

Do đó, căn cứ theo quy định trên, mức hưởng trợ cấp hàng tháng từ 01/7/2023 (đã làm tròn số) đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc cụ thể là:

Cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: mức 03 triệu đồng/tháng;

Các chức danh còn lại: ở mức 2,817 triệu đồng/tháng.

07 trường hợp không được vay vốn ngân hàng

Thêm một chính sách mới có hiệu lực tháng 9/2023 đáng chú ý khác là quy định các trường hợp không được vay vốn ngân hàng từ ngày 01/9/2023.

Ngày 28/6/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, trong đó có quy định về “Những nhu cầu vốn không được cho vay ngân hàng” với 10 trường hợp cụ thể, áp dụng từ ngày 01/9/2023.

Tuy nhiên đến ngày 23/8/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại tiếp tục ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN với nội dung ngưng hiệu lực thi hành của một số trường hợp không được vay vốn ngân hàng cho đến ngày có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật mới.

Như vậy, từ ngày 01/9/2023, các tổ chức tín dụng không tiến hành cho vay đối với 07 nhu cầu về vốn sau đây:

- Để đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư;

- Để thanh toán chi phí hoạt động kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm;

- Để mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư;

- Để mua vàng miếng;

- Để trả nợ cho các khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi phát sinh trong thời gian thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay đã được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng do cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn và đáp ứng đủ 02 điều kiện:

Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

Là khoản vay chưa cơ cấu lại thời hạn trả nợ;

- Để gửi tiền.

Chuyến bay bị delay 05 tiếng, khách hàng được hoàn tiền 

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 19/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không (Có hiệu lực từ ngày 01/9/2023).

Theo đó, Thông tư 19/2023/TT-BGTVT nêu rõ, khi có thay đổi thời gian khởi hành của chuyến bay, các hãng hàng không có trách nhiệm thông báo ngay cho hành khách về việc thay đổi này.

Nếu không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm, hãng hàng không phải cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách; xin lỗi hành khách; bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không.

Trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của người vận chuyển, các hãng hàng không còn phải thực hiện thêm các nghĩa vụ sau đây:

- Chuyến bay chậm từ 02 giờ trở lên: Đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu;

- Chuyến bay chậm từ 05 giờ trở lên: Nếu khách hàng không yêu cầu đổi chuyến mà yêu cầu hoàn trả tiền vé, người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng.

Cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 52/2023/TT-BTC.

Một trong những nội dung nổi bật của Thông tư 52/2023/TT-BTC là cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Điều 10, Thông tư 52/2023/TT-BTC, người lao động đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục khi tham gia khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo từ 03 tháng trở xuống được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần chi phí đào tạo nghề với mức chi theo thông báo của cơ sở đào tạo nghề nghiệp nhưng tối đa không quá 02 triệu đồng/người/khóa học.

Các quy định tại Thông tư 52/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 23/9/2023.

Quốc Bảo - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguy hại từ thói quen ăn thực phẩm tái sống

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên cả nước liên tục tiếp nhận các ca bệnh nhập viện trong tình trạng co giật, méo miệng, liệt nửa người… nghi ngờ bị đột quỵ.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/nhieu-chinh-sach-quan-trong-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-9-2023-d198048.html