Nhiều dịch vụ ở Hà Nội hoạt động trở lại nhưng... thiếu lao động
Kinhte&Xahoi
Nhiều dịch vụ ở Hà Nội được hoạt động trở lại nhưng hầu hết đều vẫn đang gặp khó khăn, trong đó có việc người lao động ngoại tỉnh chưa thể về Hà Nội được ngay. Thậm chí có nhà hàng đã phải “từ chối bớt đơn hàng” vì thiếu người làm.
Dù chỉ bán hàng mang về nhưng nhà hàng này đã phải từ chối đơn hàng do thiếu người làm.
Một trong những dịch vụ được hoạt động trở lại tại Hà Nội từ 21/9 là dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ô tô. Theo khảo sát của PLVN, trong 3 ngày qua, hầu hết các showroom ô tô, gara ô tô đã mở cửa đón khách trở lại nhưng hầu hết khách tới showroom để sử dụng dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa chứ không có nhu cầu tìm hiểu và mua xe mới.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, quản lý showroom Huyndai Cầu Diễn cho biết, hiện showroom đang thực hiện làm việc tại chỗ luân phiên 50% nhân sự hàng ngày. Sau 2-3 ngày mở cửa, số lượng khách hàng đến showroom chỉ vào khoảng 30-50% so với những ngày chưa có dịch và sử dụng dịch vụ là chính. Khách mua xe rất ít. Hiện, Hà Nội vẫn hạn chế người dân vào từ các tỉnh nên khách tìm hiểu mua xe càng ít hơn. Họ chủ yếu gọi điện thoại để hỏi han, xin tư vấn nên mua xe chứ chưa chính thức đến showroom để chốt mua xe.
Không gặp khó khăn về khách hàng như dịch vụ kinh doanh ô tô, dịch vụ nhà hàng đã có những tín hiệu khá mừng ngay trong những ngày đầu tiên mở cửa trở lại.
Ông Vũ Hiếu Trung, chủ nhà hàng Ẩm thực Tây Bắc cho biết, sau những ngày khó khăn về vận chuyển hàng hóa khiến chi phí đầu vào tăng khá cao thì từ ngày Hà Nội áp dụng Chỉ thị 15 +, tình hình thực phẩm đã tương đối dễ thở dù giá vẫn tăng nhẹ. Số lượng đơn hàng đặt đối với nhà hàng cũng khá nhiều trong 3 ngày đầu, chủ yếu là khách hàng của cơ quan, doanh nghiệp.
Thêm nữa, đa phần người lao động (NLĐ) đã về quê hết nên nhà hàng đã gặp phải tình trạng thiếu người làm. Giờ chỉ mong làm sao để NLĐ sớm quay trở lại được Hà Nội tiếp tục công việc, nhận được hết đơn đặt để có thể bù lại khoảng thời gian nghỉ giãn cách.
Theo hướng dẫn của Hà Nội thì người dân muốn về Hà Nội phải xin giấy đi đường của địa phương cư trú và có xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, ông Trung cũng lo việc di chuyển của NLĐ vì hiện xe vận tải hành khách công cộng vẫn chưa được hoạt động. Ngoài ra, chuyện tìm kiếm các đầu mối cung cấp thực phẩm cũng khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, một chủ thầu xây dựng cũng bày tỏ nỗi lo lắng về việc chuẩn bị trở lại công việc thường ngày vì tiến độ các công trình bị chậm, trong khi toàn bộ lao động xây dựng của ông thì đã về quê. Dù nhiều lao động sẵn sàng quay lại Hà Nội để tiếp tục công việc nhưng thủ tục cũng khá phức tạp.
Hoàng Tú - Pháp luật Plus