Thực trạng
Trong những năm qua, cây thanh long của tỉnh Bình Thuận đã không ngừng tăng nhanh, cả diện tích và sản lượng. Sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao thu nhập rất lớn cho nông dân ở các vùng trồng thanh long.
Diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh tính đến 9 tháng đầu năm 2020 hơn 32.000 ha, sản lượng thu hoạch 9 tháng ước đạt trên 520.000 tấn. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, năng suất thanh long đang có xu hướng giảm dần, do việc khai thác quá mức dẫn đến cây bị suy kiệt, giảm khả năng chống chịu với sâu bệnh hại; thời tiết diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Mặc dù là địa phương có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất nước, tuy nhiên, nhiều năm qua, thị trường xuất khẩu thanh long Bình Thuận vẫn chủ yếu là Trung Quốc vốn thường bấp bênh về giá và khả năng tiêu thụ.
Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc xuất khẩu các loại nông sản nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng qua Trung Quốc bị ảnh hưởng; các cửa khẩu ngừng thông quan để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng, thanh long rớt giá kéo theo tình hình sản xuất bị đình trệ, người dân điêu đứng.
Để thực hiện các giải pháp sản xuất, xuất khẩu thanh long trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện một số biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dân, trong đó: Khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất, xây dựng mùa vụ phù hợp tình hình thực tế, tạm ngừng chong đèn… đồng thời tập trung chăm sóc, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch; song song đó, đẩy mạnh sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, để phục vụ nội địa và xuất khẩu vào các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Giải pháp
Để bảo đảm đầu ra ổn định cho trái thanh long tương xứng với sản lượng ngày càng tăng nhanh hiện nay, nhu cầu bức thiết là phải đẩy mạnh phát triển mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển thanh long theo hướng an toàn theo VietGAP. Trong đó, chú trọng triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu; đồng thời, từng bước phát triển sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP, thanh long hữu cơ để mở rộng thị trường châu Âu. Tập trung cải tạo, tái canh vườn thanh long. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển giống thanh long mới thay thế giống bị thoái hóa. Đa dạng hóa cơ cấu giống theo hướng năng suất cao, kháng sâu bệnh và chất lượng. Đồng thời, khuyến cáo nông dân bố trí sản xuất rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ. Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng các mô hình hiệu quả để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm phát triển thanh long bền vững.
Cùng với đó, ngành Công thương triển khai các giải pháp về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận như tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa; đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng và khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở thêm các kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; trong đó, tập trung xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại thị trường khu vực phía Bắc, trọng tâm là thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, kế tiếp là thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên.
Đối với thị trường nước ngoài, ngành tiếp tục củng cố và phát triển mở rộng đối với các thị trường truyền thống (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hà Lan, Đức, Canada, Trung Quốc…) đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, tiềm năng như: Ấn Độ, Pakistan, các quốc gia khu vực Trung Đông…. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, ngành sẽ tiếp tục phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phân ra ở nhiều cửa khẩu, tránh tập trung vào một cửa khẩu để hạn chế hiện tượng ùn tắt hàng hóa khi thu hoạch rộ; đồng thời tăng cường xuất khẩu chính ngạch thanh long bằng đường biển để cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố phía Đông như: Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Chiết Giang, Hồ Bắc… và các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc…
Đình Thu - Pháp luật Plus