Nhiều mã hàng dệt may giảm 20%, thậm chí 50% so với trước dịch Covid-19

21/06/2024 09:24

Kinhte&Xahoi Hầu hết doanh nghiệp dệt may có hợp đồng đến hết tháng 10, tuy nhiên phải chắt chiu dù đơn giá vẫn thấp hơn 20%.

Thông tin được Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu nêu ra tại họp báo thông tin tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, diễn ra chiều 20-6.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh Lam Giang

Cụ thể theo ông Hiếu, bối cảnh thị trường có nhiều biến động, các doanh nghiệp đã có nhiều cải thiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp đã có hợp đồng đến tháng 9, tháng 10, tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV, mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel, Tết.

Tuy vậy, đơn giá nhìn chung vẫn thấp, nhiều mã hàng giảm 20%, thậm chí có mã hàng giảm đến 50% so với trước dịch Covid-19 do đã được thiết lập mặt bằng giá mới từ năm 2023.

“Trong điều kiện khó khăn chung, đây là tín hiệu khởi sắc cho ngành. Chúng ta đang phải chấp nhận giá thấp song không phải làm lỗ. Với giá đó, các doanh nghiệp rất chắt chiu, tập trung quản trị, điều hành tốt, tiết giảm chi phí để có giá trị gia tăng cao nhất”, ông Hiếu nêu.

Ông Hiếu cũng thông tin thêm, với những đơn hàng đang đàm phán các doanh nghiệp muốn nâng giá, để bù đắp tăng lương từ 1-7, giá điện có thể tăng khiến đầu vào tăng, chưa kể giá logistics, tỷ giá USD… Cụ thể như ngành sợi, đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường chính như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… có mức lỗ giảm so với năm trước 70-80%. Trước tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã phải linh hoạt chuyển đổi sang các mặt hàng sợi pha, sợi recycle vốn không phải là thế mạnh để tìm hướng đi mới tại các thị trường ngách bên cạnh sợi cotton truyền thống.

Đáng chú ý, Vinatex đã hợp tác với Tập đoàn Coats (Anh) sản xuất các loại trang phục vải chống cháy với công nghệ độc quyền từ phía Tập đoàn Coats. Ngay trong tháng 7-2024, những đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ và tiếp tục được chào hàng cho những thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Indonesia… Ngoài ra, tháng 7 này, Vinatex cũng đưa vào hoạt động Trung tâm phát triển sản phẩm mới.

6 tháng đầu năm 2024, Vinatex ổn định lực lượng lao động, thu nhập bình quân của người lao động ước tính tương đương năm 2023. Tổng số đoàn viên, người lao động được thụ hưởng từ các chương trình chăm lo đời sống, chương trình phúc lợi là trên 62 nghìn người, với giá trị hơn 6,5 tỷ đồng

6 tháng qua, cả doanh thu và lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn tăng xấp xỉ 5% so với kế hoạch đề ra. Dù tình hình thị trường vẫn khó đoán định, song lãnh đạo Vinatex khẳng định doanh nghiệp sẽ đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt kế hoạch tăng 8-10% so với năm 2023.

Lam Gian - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024): Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của các nhà báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn các nhà báo: Trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”. Có chừng đó thôi nhưng vô cùng sâu sắc, bởi đó chính là mục đích, động cơ làm báo. Trả lời thấu đáo các câu hỏi đó, bài báo sẽ có chất lượng tốt.

Những giá trị, kỹ năng bất biến trong nghề báo

Tại cuộc giao ban báo chí dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), một vấn đề được đặt ra là báo chí đang trong giai đoạn chuyển đổi; vì thế các cơ quan báo chí cần tìm tòi cách làm mới, tư duy mới để giải quyết nhiều “bài toán” đặt ra trong giai đoạn này.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/nhieu-ma-hang-det-may-giam-20-tham-chi-50-so-voi-truoc-dich-covid-19-669815.html