Ngày nhỏ, khi biết nhìn nhận sự việc xung quanh thì cũng là lúc tôi biết nhà mình có treo ảnh Bác Hồ.
Và cùng những quyển sách, truyện về Bác luôn đầy ăm ắp trong tủ sách gia đình là câu chuyện của cha mẹ kể về người Cha già dân tộc.
Cha kể rằng, Bác giản dị lắm, trong một Bác lần đến thăm nơi cha làm việc, cha đã được nhìn thấy Bác, như một vị tiên giữa đời thường với ánh mắt sáng và nụ cười hiền hòa.
Mẹ kể rằng, ngày Bác mất, con tim mẹ đau quặn thắt y như cái ngày mẹ nghe tin cha mẹ mình qua đời phía bên kia vĩ tuyến mà không thể về chịu tang vì đất nước còn chia cắt. Lần nào cũng vậy, chỉ được nửa câu chuyện ký ức là mẹ đã khóc òa…
Lớn lên lại rất nhiều lần nữa tôi được chứng kiến, được nghe kể những giọt nước mắt chảy tràn trên gương mặt của rất nhiều người khi họ nói về Bác, về nỗi khát khao được một lần về Thủ đô viếng Bác.
Đó là giọt nước mắt của mệ Phan Thị Diệp, nữ cựu dân quân gan dạ của một thời mở đường và giữ đường bên bến phà Long Đại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Bước chân ra khỏi Lăng Bác, như không thể kìm giữ được lòng mình hơn nữa, mệ khóc nấc nghẹn ngào: “Cuối cùng ước nguyện được ra viếng Bác đã thành hiện thực, chỉ muốn đứng lại lâu thêm lúc nữa để ngắm nhìn Bác. Tôi nhớ và thương Bác quá”…
Đó là phút lặng đi của vị Vua sư nước Lào khi chiếc xe đẩy của ông dừng lại trước di hài Bác. Là khách mời của Đại hội Phật giáo toàn quốc năm 2012, trước khi lên đường hồi quốc, vị Vua sư nước Lào bày tỏ một nguyện vọng được thăm Lăng Bác Hồ, được nhìn lại một lần nữa con người ông đã từng được gặp, để rồi từ đó lòng yêu quý và ngưỡng mộ đã theo ông suốt cuộc đời.
Tuổi đã cao nên ước mong gặp Bác của vị Vua sư nước Lào lại càng khao khát hơn, vì nào ai biết được mệnh trời.
Ngồi trên chiếc xe đẩy tiến vào Lăng Bác, nét mặt Hòa thượng Phoong Xả Ma Lợt im lặng, trầm tư. Dường như trong ông, kỷ niệm của những ngày tháng ở Udon, Thái Lan, nơi ông đã được gặp Bác lại ùa về.
Trong ánh đèn của căn phòng để thi hài Bác, dường như vị Vua sư của nước Lào đang rướn người trên chiếc xe đẩy để nhìn cho rõ, để thu vào mắt mình những hình ảnh của một con người mà cả cuộc đời này ông yêu quý và ngưỡng mộ. Chiếc xe đẩy, những bước chân dừng lại một lúc lâu trong sự im lặng của tình cảm trào dâng…
Đó là ước mơ giản dị được một lần ra thăm Lăng Bác của bà cụ khuyết tật nhặt rác trên bãi biển Gio Linh đã khiến nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng rơi nước mắt.
Nguyễn Việt Hùng kể rằng, một buổi sáng đi chụp cảng cá bên bờ biển Gio Linh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng sững lại trước những vết chân tròn trên cát. Đó là dấu chân giả của bà cụ nhặt rác chỉ có một chân. Mẹ Hiên bị mất một chân vì trúng bom từ năm 20 tuổi.
Không có chồng con, mệ sống một mình trong căn nhà không thể tuềnh toàng hơn, ngày ngày nhặt rác cứu biển, nuôi mình và vẫn ấp ủ giấc mơ được một lần ra thăm Lăng Bác.
Ước mơ của người phụ nữ nghèo khuyết tật đã tác động mạnh tới tâm trí Nguyễn Việt Hùng khiến anh cứ đứng nhìn theo mãi cái dáng liêu xiêu của mệ trên bãi biển, để rồi nước mắt rơi tự lúc nào...
Có một bài ca thật da diết: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha/Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt/Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc đến miền Trung…”. Quả thật là như vậy. Sống ở đời có nhiều nỗi nhớ, nhớ quê hương chôn nhau cắt rốn, nhớ cha nhớ mẹ, nhớ tổ nhớ tông, nhớ thuở ấu thơ ngày hai buổi đến trường… Nhưng có lẽ, ngoài những nỗi nhớ cá nhân, người Việt Nam còn có chung nhau một nỗi nhớ: Nhớ Bác Hồ!
Cách đây 45 năm, chuyến tàu đầu tiên của tự do, của thống nhất đất nước từ đất liền ra Côn Đảo đã được giải phóng, hỏi Côn Đảo cần gì. Rằng, Côn Đảo cần tấm ảnh Bác Hồ.
Thời đại 4.0, hỏi công dân trẻ của Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa, Lý Sơn… rằng mong muốn điều gì nhất? Mong một lần về thăm Lăng Bác, một lần đứng chào lá cờ Tổ quốc tung bay trên Quảng trường Ba Đình lộng gió.
Càng nhớ Bác, nhớ ơn Người sâu nặng quê hương…